Ngày 30-10, Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám bệnh, chữa bệnh và xin ý kiến các quy định thanh toán BHYT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Trang
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng ở một số nơi vẫn có tình trạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời cho người bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài cơ sở khám, chữa bệnh.
Để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, ngày 18-10-2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT (Thông tư 22) quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, quy định cụ thể các trường hợp quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh, gồm có: Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; thiết bị y tế loại C hoặc D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân.
Bên cạnh đó, Thông tư 22 cũng quy định điều kiện thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người có BHYT đi khám chữa bệnh chặt chẽ, khả thi trong các trường hợp không có thuốc, thiết bị y tế do các nguyên nhân bất khả kháng.
Đề cập đến vấn đề này, bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng, các thuốc thiếu do cơ sở y tế không mua sắm, không cung ứng được hầu hết rơi vào nhóm thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc ít nguồn cung trên thị trường.
Danh mục thuốc hiếm được quy định có hơn 450 hoạt chất được thanh toán, chiếm gần một nửa danh mục các thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Trong đó, thuốc điều trị bệnh hiếm có khoảng 214 thuốc, hơn 217 thuốc trong danh mục ít nguồn cung ứng trên thị trường. Vì vậy, dù được gọi là thuốc hiếm nhưng tổ hợp các loại được thanh toán trực tiếp này không phải là nhỏ.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thu Trang
Cũng theo bà Vũ Nữ Anh, trang thiết bị y tế được phân làm 4 loại theo độ rủi ro là A, B, C, D; trong đó loại A, B là nhóm có độ rủi ro thấp, có thể thay thế được như: Bông, băng, cồn, gạc… (vật tư tiêu hao), thì không được thanh toán trực tiếp. Cơ sở y tế bị thiếu, không mua được thì phải lựa chọn sản phẩm thay thế cho người bệnh.
Ngoài ra, còn một số trường hợp không được thanh toán trực tiếp nữa là thiết bị sử dụng hóa chất xét nghiệm (thường đã được thanh toán trong cơ cấu giá), thiết bị y tế đặc thù cá nhân…
Cũng tại hội thảo này, bà Vũ Nữ Anh khẳng định, trách nhiệm cung ứng thuốc, thiết bị y tế là của cơ sở y tế, do đó phải bằng mọi cách, cố gắng hết sức để mua sắm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho người bệnh. Khi không được nữa thì mới áp dụng Thông tư 22. Thông tư này cũng chỉ giải quyết tình huống, nhằm một phần nào đó bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, bù đắp một phần chi phí màngười bệnh tự bỏ ra chứ không phải toàn bộ.
Thu Trang