'Điều kỳ diệu nhất chính là Việt Nam hôm nay'

'Điều kỳ diệu nhất chính là Việt Nam hôm nay'
10 giờ trướcBài gốc
Anh hùng Cộng hòa Cuba Fernando González Llort trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Việt Hùng/PV TTXVN tại Cuba
Đề cập đến ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30/4/1975, Anh hùng Cộng hòa Cuba khẳng định: “Điều kỳ diệu nhất chính là Việt Nam hôm nay - một quốc gia vượt xa cả giấc mơ '10 lần đẹp hơn' mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong và gửi gắm trong di chúc”.
Theo anh hùng Fernando González Llort, cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro luôn tin tưởng vào thắng lợi của các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 6/1969, khi tiếp ông Trần Bửu Kiếm - đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - tại Quảng trường Cách mạng ở La Habana, Lãnh tụ Fidel đã khẳng định: “Dù Cuba từng vượt qua những thử thách như cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn hay chiến dịch truy quét phiến quân trên núi nhưng những hy sinh ấy vẫn nhỏ bé so với sự kiên cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đế quốc”.
Khi ấy, Lãnh tụ Fidel đã nhắc lại lời kêu gọi của anh hùng Che Guevara tại Hội nghị Ba châu lục: “Hãy ủng hộ Việt Nam, hãy tạo ra nhiều 'Việt Nam' khắp thế giới!”. Lãnh tụ Cuba nhấn mạnh chính tình đoàn kết với Việt Nam đã thôi thúc Che và đồng đội chiến đấu anh dũng tại Bolivia. “Họ ngã xuống vì tự do của các dân tộc châu Mỹ và vì sự nghiệp của nhân dân Việt Nam anh hùng!”.
Theo ông Fernando González Llort, cả một thế hệ thanh niên Cuba khi ấy đều hiểu rõ và hướng về cuộc đấu tranh của Việt Nam. Không chỉ tại Mỹ Latinh mà ở châu Á, châu Phi, châu Âu, thậm chí ngay trong lòng nước Mỹ, nhiều người đã lên án tội ác của đế quốc tại miền Nam Việt Nam. Những cái tên như Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Trỗi, cùng bao chiến sĩ Việt Nam đã trở thành biểu tượng toàn cầu, truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng khắp thế giới.
Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là niềm vui vô bờ đối với nhân dân Việt Nam mà còn là khoảnh khắc hân hoan của toàn bộ phong trào cách mạng Cuba và thế giới. Anh hùng Cộng hòa Cuba nhớ lại câu chuyện xúc động sau sự kiện 30/4/1975 tại La Habana: “Fidel đã đến Đại sứ quán miền Nam Việt Nam tại La Habana, ôm chặt từng cán bộ và nói 'Đây không chỉ là chiến thắng của riêng Việt Nam mà còn là của Cuba và toàn nhân loại!'”.
Dẫn báo cáo của Đại hội IV (tháng 12/1976) của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch ICAP bày tỏ khâm phục và ngưỡng mộ kỳ tích Việt Nam: “Giữa muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, các bạn đã làm nên điều thần kỳ: xóa đói giảm nghèo từ 58% xuống dưới 2%, biến vùng đất chịu nhiều bom đạn nhất hành tinh thành điểm sáng kinh tế với tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu châu Á”.
Ông đặc biệt ấn tượng với chính sách Đổi mới của Việt Nam: “35 năm không phải là dài so với lịch sử nhưng đủ để thế giới thán phục một Việt Nam kiên cường, biến thách thức thành cơ hội. Ngay trong đại dịch COVID-19 khi nhiều nền kinh tế lao đao, các bạn vẫn giữ vững nhịp phát triển. Đó là minh chứng cho tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Theo anh hùng Cộng hòa Cuba, chìa khóa cho hành trình “từ tro tàn hóa Rồng bay” của Việt Nam nằm ở tinh thần đại đoàn kết dân tộc, giá trị cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định vun đắp. Đoàn kết để vượt qua chiến tranh, đoàn kết để xây dựng đất nước, đoàn kết để cùng nhau “chống dịch như chống giặc”... Sức mạnh ấy khiến thế giới phải nghiêng mình.
Chủ tịch ICAP trích dẫn Nghị quyết Đại hội XIII (2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam như một minh chứng cho thấy quyết tâm của Việt Nam xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc không phải là khẩu hiệu, mà được hiện thực hóa bằng các chính sách cụ thể vì người nghèo, vì đồng bào dân tộc thiểu số, vì công bằng xã hội.
Nhìn lại chặng đường hai dân tộc kề vai sát cánh, câu chuyện khiến ông xúc động nhất là về 23 lưu học sinh Việt Nam đầu tiên đến Cuba năm 1961: “Họ vượt hành trình 3 tuần bằng tàu hỏa và máy bay từ Hà Nội, mang theo quyết tâm 'học tập để xây dựng Tổ quốc khi hòa bình lập lại'. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã trở thành những viện sĩ, giáo sư, nhà ngoại giao lão luyện nòng cốt trong xây dựng đất nước, cầu nối tích cực cho tình hữu nghị bền chặt”.
Anh hùng Cộng hòa Cuba điểm lại những dự án hợp tác mang đậm dấu ấn lịch sử: “900 công nhân Cuba từng sang Việt Nam xây dựng những công trình biểu tượng: Đường Trường Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Đồng Hới), Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội), Nông trường Mộc Châu. Còn nhớ năm 2020 khi Cuba gặp khó khăn về lương thực, Việt Nam đã gửi tặng 5.000 tấn gạo, món quà nghĩa tình từ đất nước anh em xa xôi ngay trong thời điểm đại dịch toàn cầu”.
Chia sẻ về những hoạt động hữu nghị sắp tới, Chủ tịch ICAP cho biết nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cuba sẽ khánh thành Khoa nghiên cứu “Hồ Chí Minh” tại Đại học La Habana. Đây sẽ là ngôi nhà chung để thanh niên hai nước cùng nghiên cứu về tư tưởng của Người, về lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Năm 2025 - năm kỷ niệm 80 năm Việt Nam độc lập, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao - được lãnh đạo hai nước chọn là “Năm Hữu nghị Cuba - Việt Nam”. Ông Fernando González Llort tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay, những sinh viên Việt Nam đang học tập tại Cuba, các bạn trẻ Cuba yêu văn hóa Việt... chính là những sứ giả sẽ viết tiếp khúc tráng ca mà Tổng Tư lệnh Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng.
Việt Hùng - Mai Phương (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dieu-ky-dieu-nhat-chinh-la-viet-nam-hom-nay-20250429123444087.htm