Trước khi đầu tư, bạn cần trao đổi kỹ càng với đối tác để hiểu về sản phẩm. Ảnh minh họa: E.W.
Điều đó đặc biệt đúng trong thị trường hôn nhân và tình yêu, bạn không thể cùng lúc biết được tất cả thông tin của những người khác giới, đưa ra phán đoán và quyết định ngay lập tức. Bạn chỉ có thể khám phá thông tin và giá trị của đối phương trong quá trình khám phá. Quá trình này lại cần được đầu tư, bao gồm tiền bạc, thời gian, sức lực… nếu thất bại sẽ không thể thu hồi.
Trong đấu thầu thương mại, khoản thanh toán tạm ứng cho các giá thầu không thành công sẽ được hoàn trả và tổn thất chỉ là một khoản phí thủ tục nhỏ. Cuộc đấu giá này thì khác, nó rất giống với một trò chơi: Tôi có một món đồ kỷ niệm trị giá 100 tệ, giá khởi điểm là 1 tệ, nếu không có ai trả giá cao hơn thì món đồ đó được mua với giá 1 tệ và bạn đã hời to. Nếu có người trả 2 tệ hay thậm chí cao hơn, bạn phải đưa ra một cái giá cao hơn nữa để giành quyền chủ động hoặc từ bỏ khoản lỗ 1 tệ.
Kết quả của trò chơi này có thể rất khủng khiếp. Khi tôi đang học thạc sĩ kế toán học tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc, giáo sư Xia Dawei - người dạy tôi môn Lý thuyết trò chơi đã tái hiện ví dụ đó trong lớp học, mở một cuộc “đấu giá” với tờ tiền 20 tệ thông thường và cuối cùng nó được bán với giá 100 tệ.
Hiện tượng này được gọi là lựa chọn đối nghịch (adverse selection), chỉ sự phân bổ nguồn lực không đồng đều trong thị trường do thông tin bất cân xứng gây ra. Nó được nhà kinh tế học người Mỹ George Akerlof đề cập trong “Thị trường Lemon: chất lượng, tính không chắc chắn và cơ chế thị trường”. Từ đó, ông cùng hai nhà kinh tế học khác đã cùng đặt nền móng cho “Thông tin bất cân xứng học” và đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001.
“Lemon” là tiếng lóng của Mỹ có nghĩa “phế phẩm” hay “thứ vô dụng” nên thị trường Lemon (The Market for Lemons) còn được gọi là thị trường sản phẩm thứ cấp hay mô hình Akerlof.
Thị trường Lemon tồn tại do một bên tham gia giao dịch không biết giá trị thực của hàng hóa, chỉ có thể phán đoán chất lượng trung bình dựa trên giá trung bình của thị trường. Vì khó phân biệt sản phẩm chất lượng và kém chất lượng, họ chỉ sẵn sàng chi trả mức giá trung bình. Tuy nhiên, với mức giá đó, người bán hàng tốt chắc chắn bị lỗ, trong khi người bán hàng kém chất lượng lại thu lời lớn.
Hệ quả là hàng tốt sẽ rút dần khỏi thị trường, chất lượng trung bình giảm nên giá trung bình cũng giảm, hàng có giá trị thực trên giá trung bình cũng dần biến mất và cuối cùng chỉ còn lại hàng kém chất lượng.
Trong trường hợp này, người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng tất cả sản phẩm trên thị trường đều không tốt. Ngay cả khi gặp một sản phẩm tốt với giá cao hơn, họ sẽ hoài nghi và quyết định chọn những sản phẩm tồi để tránh bị lừa.
Trong “Thị trường Lemon: chất lượng, tính không xác định và cơ chế thị trường” đề cập tới một ví dụ về ôtô cũ rất kinh điển:
Ở chợ ôtô cũ, giả sử bạn biết số lượng xe tốt và xe kém chất lượng tương đương nhau, mỗi loại chiếm một nửa. Bạn sẵn sàng trả 4.000 tệ cho những xe tốt và chỉ trả 2.000 tệ cho những xe kém hơn.
Nhưng nếu bạn không phân biệt được đâu là xe chất lượng tốt, đâu là xe kém chất lượng thì phải làm thế nào?
Bạn sẽ trả theo kỳ vọng: 2.000 × 0,5 + 4.000 × 0,5 = 3.000 tệ.
Nếu người chủ của chiếc xe tốt dự định bán với giá 2.500 tệ, họ chỉ có thể kiếm thêm 500 tệ từ bạn, trong khi dựa theo giá của xe tốt (4.000 tệ) thì đáng lẽ họ sẽ kiếm được 1.500 tệ.
Giá kỳ vọng của chủ xe kém chất lượng là 1.500 tệ, hắn kiếm được 1.500 tệ nhờ mức giá của bạn.
Trong trường hợp này, bởi vì thông tin bất cân xứng nên chủ những chiếc xe tốt tồn tại trên thị trường trở thành công cụ bổ trợ cho chủ những chiếc xe kém chất lượng.
Hơn nữa, nếu số lượng xe kém chất lượng tăng lên và số lượng xe tốt giảm xuống, kỳ vọng của người tiêu dùng trong thị trường sẽ giảm. Khi kỳ vọng giảm xuống dưới mức 2.500 tệ, chủ những chiếc xe tốt sẽ rút khỏi thị trường vì không được thỏa mãn giá kỳ vọng, điều này hình thành hiện tượng “tiền xấu đuổi tiền tốt”.
Các hiện tượng tương tự xuất hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, người ta thường dùng quy luật này để chỉ việc những thứ có giá trị thấp loại bỏ những thứ có giá trị cao hơn khỏi lưu thông. Nó đã đảo ngược hoàn toàn quy luật đào thải “kẻ mạnh là kẻ thắng” mà thay thế bằng “kẻ yếu thắng kẻ mạnh”.
Thị trường hôn nhân và tình yêu không phải là “thị trường cạnh tranh hoàn hảo”, không có quy chuẩn và thông tin đầy đủ cho giá trị cơ bản của mỗi người. Nếu dùng nó như một ẩn dụ về hàng hóa thì hàng hóa luôn không đồng nhất ở mọi nơi cả về chất lượng lẫn giá cả, tương tự đặc trưng của thị trường Lemon.
Tạ Tôn Bác/ Skybooks & NXB Thế giới