6 điểm mới trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) tiến hành từ ngày 1/7, trùng với thời điểm thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Để hiểu rõ hơn về cuộc tổng điều tra, phóng viên có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê về vấn đề trên.
Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính)
- Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 có điểm mới gì so với cuộc điều tra tiến hành từ 10 năm trước? ngành Thống kê đã có sự chuẩn bị như thế nào cho cuộc tổng điều tra này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 có 6 điểm mới so với các kỳ tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp trước đây, cụ thể: Thứ nhất, thông tin của tổng điều tra năm 2025 tăng so với năm 2016, nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành, địa phương về thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS), cơ cấu lao động nông thôn.
Cuộc Tổng điều tra đã bổ sung nhiều thông tin chi tiết như: Kinh tế số trong NLTS; thông tin về chỉ tiêu phát triển bền vững; bổ sung phiếu doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong phương án điều tra, đảm bảo đầy đủ phạm vi của Tổng điều tra.
Thứ hai, thay đổi về phương pháp thực hiện lập bảng kê đơn vị điều tra phiếu hộ, giúp thu thập đầy đủ thông tin và tiết kiệm kinh phí. Bảng kê trang trại được bổ sung thu thập thông tin đảm bảo kết nối giữa phiếu hộ và phiếu trang trại giúp công tác làm sạch, xử lý số liệu và phân tích kết quả điều tra.
Thứ ba, khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có, nhằm giảm thiểu thu thập từ thực địa, giúp nâng cao hiệu quả của tổng điều tra.
Thứ tư, thay đổi về hình thức thu thập thông tin sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI và Webform) và cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng điều tra trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn; nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý dữ liệu tập trung, khai thác sử dụng phân tán.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu. Trong đó: Ứng dụng học máy để kiểm tra hoàn thiện mã ngành của hộ dựa trên căn cứ về ngành; sử dụng định vị và bản đồ số trong một số công đoạn của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025.
Thứ sáu, nghiên cứu phương pháp chọn mẫu để đáp ứng yêu cầu thông tin: Với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), đã xây dựng 2 loại mẫu điều tra phục vụ suy rộng các chỉ tiêu phát triển bền vững và các chỉ tiêu chuyên sâu về NLTS vừa nhằm đáp ứng mục tiêu thông tin vừa nâng cao hiệu quả của công tác thu thập thông tin.
Để chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra với phạm vi lớn và có ý nghĩa quan trọng này, từ năm 2023, Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) đã lên kế hoạch, xây dựng phương án và chuẩn bị thực hiện điều ra thí điểm để làm cơ sở xây dựng phương án tổng điều tra chính thức. Trong năm 2024 đã thực hiện điều tra thí điểm, đồng thời rà soát toàn bộ nhu cầu các chỉ tiêu đầu ra, từ đó làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc tổ chức tổng điều tra trong năm 2025.
Cục Thống kê đã nghiên cứu, thiết kế 7 loại phiếu điều tra phục vụ công tác thu thập thông tin, xây dựng các tài liệu, quy trình hướng dẫn thực hiện tổng điều tra; Xây dựng các chương trình phần mềm ứng dụng phục vụ công tác thu thập thông tin, xử lý làm sạch và tổng hợp kết quả điều tra; hoàn thiện các phần mềm ứng dụng, chuẩn bị và tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và công nghệ thông tin các cấp từ trung ương, tỉnh và huyện, nhằm trang bị các kiến thức về nghiệp vụ, phần mềm cho toàn bộ đội ngũ điều tra viên, giám sát viên...
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 diễn ra trên phạm vi cả nước từ ngày 1/7-30/7. Ảnh: Nguyễn Hòa
- Cuộc tổng điều tra diễn ra trong bối cảnh đất nước đang sắp xếp địa giới hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện), nên việc tổng điều tra gặp những vướng mắc. Vậy Cục Thống kê đã có giải pháp gì để giải quyết những vướng mắc đó?
Bà Nguyễn Thị Hương: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên chuyển mình, thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và tinh gọn bộ máy hành chính, nên khi triển khai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, ngành thống kê đã có những giải pháp, kiến nghị để khắc phục những khó khăn này. Cụ thể, ngành tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương hướng dẫn kiện toàn Ban Chỉ đạo ngay sau khi có những thay đổi về cơ cấu tổ chức và quản lý hành chính tại địa phương, nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị tổng điều tra, một trong những giai đoạn quan trọng nhất của điều tra thống kê, không bị gián đoạn và không bị ảnh hưởng đến chất lượng thông tin; đảm bảo thu thập thông tin đáp ứng mục tiêu của tổng điều tra và đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ chính quyền 2 cấp trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo tại địa phương...
Để hoàn thành cuộc tổng điều tra, ngành thống kê cũng đã áp dụng triệt để công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu của tổng điều tra. Xây dựng hệ thống trả lời tự động chatbox để hỗ trợ cho điều tra viên, giám sát và lực lượng tham gia vào tổng điều tra. Xây dựng hệ thống đường dây nóng để kịp thời giải đáp thắc mắc và hỗ trợ cho điều tra viên, giám sát viên.
Tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo và hướng dẫn Ban Chỉ đạo tổng điều tra các cấp tại địa phương sau khi kiện toàn khẩn trương chỉ đạo thực hiện tổng điều tra trên địa bàn theo đúng phương án đã quy định bảo đảm tiến độ và chất lượng của dữ liệu thu thập.
Số liệu tổng điều tra chính xác, kịp thời sẽ cho thấy bức tranh toàn diện về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ xây dựng chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Nguyễn Hòa
Số liệu điều tra đóng góp vào xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp
- Được biết, để tiến hành cuộc tổng điều tra thuận lợi, đóng góp vào xây dựng chính mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Cục Thống kê đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình điều tra. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Hương: Để tiến hành Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, Cục Thống kê đã nghiên cứu áp dụng công nghệ, ứng dụng AI hỗ trợ công tác thu thập thông tin, sử dụng định vị GPS của đơn vị điều tra trong công tác điều hành tác nghiệp, giám sát thực hiện điều tra và phổ biến kết quả, áp dụng phương pháp thu thập thông tin bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp và gián tiếp.
Hệ thống phần mềm phục vụ quản lý điều hành, giám sát, thu thập, xử lý kết quả cuộc điều tra do đội ngũ kỹ sư tin học của ngành thống kê thực hiện. Ứng dụng phục vụ thu thập thông tin trực tiếp được cài đặt trên thiết bị di động thông minh (sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS) của điều tra viên.
Công tác quản lý điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu cuộc điều tra được thực hiện thông qua một website, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Phần mềm phục vụ điều tra được thiết kế, xây dựng và triển khai trên môi trường Internet áp dụng cho toàn bộ các công đoạn: lập bảng kê, quản lý mạng lưới điều tra, phân công điều tra viên và giám sát viên, thu thập thông tin, giám sát điều tra và làm sạch số liệu, khai thác kết quả…
Cục Thống kê đã chuẩn bị lực lượng để hỗ trợ điều tra viên, giám sát viên các cấp trong suốt quá trình điều tra, đặt biệt là hỗ trợ sử dụng thiết bị di động và xử lý sự cố trong quá trình thu thập thông tin trên toàn quốc. Cùng với đó, chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin đủ năng lực quản lý, vận hành hệ thống phần mềm, quản trị dữ liệu từ trung ương đến địa phương bảo đảm hoạt động thông suốt 24/7; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.
Đến nay, tất cả công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025. Với những nỗ lực đó, Cục Thống kê mong muốn không chỉ góp phần vào thành công của cuộc tổng điều tra, mà còn đóng góp vào quá trình xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mà Đảng, Chính phủ đang triển khai. Bởi số liệu tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp chính xác, kịp thời sẽ cho thấy bức tranh toàn diện về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ xây dựng chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương 2 cấp.
- Xin cảm ơn bà!
Bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính): Cùng thời điểm với Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, từ ngày 1/7, Việt Nam cũng tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, xóa bỏ cấp huyện. Việc sáp nhập từ 63 đơn vị còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh; từ 10.035 đơn vị còn 3.320 đơn vị hành chính cấp xã là một bước đi chiến lược trong tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo không gian phát triển mới trong liên kết giữa các địa phương.