Niềm vui của người cao tuổi khi học chuyển đổi số
Ở độ tuổi mà người ta thường nói “nghỉ ngơi là chính”, các bác lớn tuổi ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy đều đặn hàng tuần chăm chỉ đến lớp đúng giờ với tinh thần hào hứng để học cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Họ không học với mục đích để trở thành lập trình viên giỏi hay chuyên gia công nghệ, mà chỉ bởi họ không muốn bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau trong làn sóng chuyển đổi số. Họ muốn được kết nối với thế giới xung quanh và tìm hiểu những thông tin bổ ích về sức khỏe, đời sống.
Người cao tuổi học cách sử dụng AI bởi muốn được kết nối với thế giới xung quanh
Niềm vui hiện rõ trên từng gương mặt học viên khi lần đầu biết sử dụng Facebook, TikTok, Gemini... và dần áp dụng những công cụ ấy vào cuộc sống hằng ngày. Ông Dương Sơn Thạc - một học viên hơn 80 tuổi - chia sẻ: “Tôi tham gia lớp học ngay từ khóa đầu tiên, đến nay là khóa thứ năm. Bây giờ, tôi sử dụng thành thạo Zalo, Facebook, TikTok. Tôi tự quay video, ghép nhạc rồi đưa lên TikTok. Tuổi già chúng tôi đưa lên những ký ức của ngày xưa. Tôi đi bộ đội từ năm 1959 đến 1971, và những ký ức về ngày 30/4 nay ùa về. Chỉ trong 30 phút đã có hơn một trăm người xem”. Còn bà Phùng Lê Hòa, gần 70 tuổi bày tỏ: “Tôi trong đội múa nên tôi rất muốn thu những bài hát, điệu nhảy vào máy. Thế nhưng trước đây, tôi không biết sử dụng, suốt ngày phải nhờ con. Từ ngày đi học lớp này, tôi mày mò tìm hiểu để quay được những bài hát, điệu múa đưa vào máy. Tôi thấy rất vui”.
“Cha đẻ” của lớp học đặc biệt này - thầy Đinh Ngọc Sơn, hiện là Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội - chia sẻ về động lực để mở lớp học: “Chủ trương của Đảng và Chính phủ là chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt, Tổng Bí thư có nói: “Không để ai ở lại phía sau trong cuộc cách mạng chuyển đổi số này”. Tôi thấy các bạn trẻ tiếp cận rất nhanh nhưng người ở lại phía sau chính là người cao tuổi. Vì vậy, khi nhận vai trò là Bí thư chi bộ khu dân cư ở đây, tôi nghĩ ngay đến việc lập một dự án nhỏ để giúp các bác cao tuổi tiếp cận với chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Khi chúng tôi thông báo thì các bác rất ủng hộ và tham gia nhiệt tình”.
Thầy Sơn tìm phương pháp giảng dạy dễ hiểu cho người cao tuổi
Dự án ban đầu gặp nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, tất cả đều bắt đầu từ con số 0. Nhưng với sự quyết tâm lan tỏa tri thức, thầy Sơn đã chọn cách bắt đầu từ chính ngôi nhà của mình. “Tôi lấy phòng học của gia đình để làm lớp học, lấy đèn chiếu, trà nước gia đình ra để phục vụ, lấy bản thân mình làm giáo trình, giáo án và giảng dạy để phục vụ cho người cao tuổi. Bởi vậy, giảm được rất nhiều chi phí tổ chức”.
Thấu hiểu những khó khăn và tâm lý e ngại của người lớn tuổi khi tiếp cận công nghệ, thầy Sơn đã xây dựng giáo án với phương pháp giảng dạy đơn giản, dễ thực hành và gắn bó với đời sống hằng ngày. Bằng sự tinh tế và sáng tạo, thầy khéo léo lồng ghép công nghệ số vào các hoạt động thực tiễn như tổ chức cuộc thi ảnh trong khu dân cư để các học viên có cơ hội chia sẻ và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ. Các bác được hướng dẫn cách chụp ảnh bằng điện thoại thông minh và gửi ảnh dự thi, vừa rèn luyện kỹ năng sử dụng thiết bị, vừa tạo nên một sân chơi nhẹ nhàng mà ý nghĩa. Nhờ đó, công nghệ không còn là điều gì xa lạ, mà trở nên gần gũi, thiết thực với chính cuộc sống thường nhật.
Ông Đinh Ngọc Sơn cho hay: “Tôi dùng phương pháp rất đơn giản. Một là phải làm cho các bác thích. Thứ hai, khi học là phải làm được ngay, và các bác đi học rất nghiêm túc. Tôi tổ chức tiếp một buổi hướng dẫn về ảnh để tham gia cuộc thi ảnh thì các bác học rất nhiệt tình, miệt mài để thực hành trên các bức ảnh đó”.
Mang lại niềm tin là người có ích
Để các buổi học thêm phần sinh động và dễ tiếp thu, thầy Sơn không chỉ trực tiếp giảng dạy mà còn mời các chuyên gia đến chia sẻ, đồng hành với học viên. Trong buổi học về nhiếp ảnh, anh An Thành Đạt - phóng viên ảnh với nhiều năm kinh nghiệm, từng đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước - được mời đến để hướng dẫn các bác cách chụp và lưu giữ những khoảnh khắc thường nhật bằng chính chiếc điện thoại thông minh. Trực tiếp đứng lớp trong một không gian đặc biệt như thế, anh Đạt không giấu được sự khâm phục trước tinh thần ham học hỏi của các học viên lớn tuổi: “Tôi rất cảm phục các cô, các chú, các bác ở đây bởi mọi người đã lớn tuổi nhưng không già, vẫn muốn cố gắng mỗi ngày để tiếp cận với công nghệ, kéo thế giới tâm hồn của mình hòa vào nhịp sống hiện đại của xã hội. Các cô, các chú rất cầu thị. Đấy là điều mà người trẻ phải học ở các cô, các chú rất nhiều. Việc phổ cập về chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo cho thế hệ người cao tuổi ở các địa phương rất cần thiết trong tương lai và nó mang tính cấp bách”.
Các học viên có thể thực hành ngay trên lớp
Gạt bỏ mọi rào cản về tuổi tác, các học viên lớn tuổi vẫn đều đặn tới lớp đúng giờ, học tập với tinh thần nghiêm túc và tập trung. Dù đôi mắt không còn tinh nhanh, tay tay chậm chạp lóng ngóng khi thao tác trên màn hình cảm ứng, họ vẫn chăm chú lắng nghe, cố gắng ghi nhớ các bước, có bác còn quay lại bài giảng để về nhà xem lại cho kỹ. Không chỉ là lớp học AI, nơi đây còn là không gian để người già không cảm thấy mình bị “tụt lại phía sau” trong thế giới công nghệ số.
Tiếng giảng bài xen lẫn tiếng cười nói, tiếng học viên hướng dẫn nhau từng thao tác nhỏ, tạo nên một không gian học tập đầy hứng khởi và gần gũi. Không cần bút vở cầu kỳ, hành trang đến lớp của các học viên “tóc hoa râm” chỉ đơn giản là một chiếc điện thoại thông minh và một tinh thần ham học hỏi. Có bác mang hoa quả, bác thì mang nước ngọt, mỗi người cùng góp một chút để chia sẻ với nhau như một đại gia đình.
Hoạt động được hơn 2 tháng, lớp học đặc biệt này đã ghi dấu nhiều câu chuyện khiến thầy Sơn không khỏi xúc động. Như một bác học viên lớn tuổi vẫn miệt mài học cách đăng video lên TikTok, thức đến tận 11 - 12 giờ đêm để phát trực tiếp, chia sẻ những câu chuyện lịch sử mà bác đã trải qua. Hay một bác từng bị tai biến, gần như liệt một tay, nhưng vẫn đều đặn chống gậy đến lớp, nghiêm túc lắng nghe và kiên trì thao tác bằng một tay còn lại. Chính những hình ảnh giản dị mà đầy cảm hứng ấy đã tiếp thêm động lực để thầy Sơn vững tin theo đuổi hành trình đầy ý nghĩa này. “Trong tương lai, tôi mong dự án sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần học tập suốt đời trong cộng đồng, đặc biệt là với những người cao tuổi tưởng chừng đã đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ. Mục tiêu của dự án này là truyền cảm hứng cho cộng đồng, đặc biệt những người cao tuổi hãy tiếp tục học vì chúng ta có quá nhiều công cụ để học, trong đó có trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số. Giá trị của chuyển đổi số đối với người cao tuổi còn ở chỗ giúp họ tự tin hơn”.
Anh An Thành Đạt - phóng viên ảnh từng đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước - được mời đến để hướng dẫn các bác cách chụp và lưu giữ những khoảnh khắc thường nhật bằng chính chiếc điện thoại thông minh
Chỉ sau vài buổi học về AI, dưới sự kiên nhẫn và tận tụy của người thầy giàu tâm huyết, những khái niệm tưởng chừng xa lạ bỗng trở nên gần gũi và dễ hiểu. Những nỗi sợ mơ hồ về việc “không theo kịp thời đại” dần tan biến, nhường chỗ cho sự tự tin và hào hứng của những người lần đầu điều khiển điện thoại bằng giọng nói, lần đầu sáng tác thơ bằng AI, hay đơn giản là lần đầu hiểu được “trí tuệ nhân tạo” là gì. Trong hành trình đổi thay của công nghệ và xã hội, lớp học sử dụng AI dành cho người cao tuổi của thầy Đinh Ngọc Sơn lặng lẽ viết nên một câu chuyện đẹp về sự sẻ chia và niềm tin vào khả năng học hỏi không giới hạn của con người. Có thể lớp học nhỏ này sẽ không tạo ra một bước ngoặt lớn lao nào, nhưng chắc chắn, nó là một khởi đầu đầy ý nghĩa. Và đôi khi, điều quý giá nhất mà một lớp học mang lại không nằm ở kiến thức, mà ở cảm giác được lắng nghe, được đồng hành, và được tin rằng: Mình vẫn còn có ích - dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
CTV Dương Minh Linh/VOV.VN