Chị Nguyễn Thị Thu Trâm châm cứu cho bệnh nhân đau vai gáy, thần kinh -Ảnh: M.T
Nhiều năm nay, chị Lê Thị Huyền, Phường 5, TP. Đông Hà, chọn phương pháp điện châm để điều trị căn bệnh đau vai gáy của mình, nhất là vào mùa đông. Vì không có thời gian đến bệnh viện nên chị chọn Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Tiến Phương, TP. Đông Hà để điều trị. Trong thời gian một tiếng đồng hồ, chị được sử dụng điện châm khoảng 30 phút, 30 phút còn nhân viên sẽ xoa bóp, bấm huyệt tại vùng vai gáy bị đau kèm chiếu đèn hồng ngoại.
Nói về lý do lựa chọn điều trị bằng phương pháp này, chị Huyền cho biết: “Trước đây, mỗi lần đau tôi đều dùng đến thuốc tây. Nhưng việc sử dụng thuốc tây chỉ giảm đau trong một thời gian nhất định, lại có nguy cơ ảnh hưởng đến dạ dày. Tôi cũng đã từng mua liệu trình trị liệu vai gáy ở các spa nhưng cảm thấy không yên tâm vì lực tác động của nhân viên lên vùng vai gáy quá mạnh, khiến mỗi lần làm xong ê ẩm cả người. Vì thế tôi chuyển sang châm cứu và đã gắn bó với phương pháp này một thời gian khá dài”.
Theo cảm nhận của chị Huyền, việc điều trị bằng phương pháp điện châm không phải ngày một ngày hai là có tác dụng. Tuy nhiên, sau mỗi lần điện châm, chị đều có cảm giác thư giãn, nhất là phần xoa bóp, bấm huyệt của nhân viên được tác động bởi lực vừa phải nhưng lại có tác dụng sâu. “Ngoài ra, tôi thích nhất là được cứu ngải (châm cứu bằng ngải cứu).
Nhân viên dùng điếu ngải ngắn khoảng 2-3 cm, đốt gián tiếp qua kim châm cứu trên da. Ngải cứu được hơ trên da tạo cảm giác nóng nhưng dịu, không bỏng rát. Bên cạnh đó, mùi hương đặc trưng của ngải cứu còn có tác dụng an thần, định tâm”, chị Huyền chia sẻ.
Châm cứu được chứng minh có hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, nổi bật là các vấn đề liên quan đến đau cấp và mạn tính.
Điện châm là một hình thức của châm cứu, kết hợp giữa phương pháp châm cứu theo y học cổ truyền và chữa bệnh bằng dòng điện theo y học hiện đại. Đây là phương pháp không dùng thuốc, ít tác dụng phụ hơn phác đồ giảm đau hiện tại. Quan trọng là phương pháp này tiện lợi, không tốn nhiều thời gian nên ngày càng có nhiều người bệnh lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Thu Trâm, chủ Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Tiến Phương, TP. Đông Hà cho biết, điện châm là kỹ thuật được áp dụng phổ biến trong điều trị bằng y học cổ truyền hiện nay.
“Đây là phương pháp không dùng thuốc được cải tiến từ châm cứu truyền thống. Mục đích là dùng dòng điện tác động lên huyệt để phòng và chữa bệnh. Qua đó giúp kích thích, điều khiển vận hành khí huyết, tăng cường dinh dưỡng và đưa cơ thể trở về trạng thái cân bằng”, chị Trâm lý giải.
Hơn 10 năm trong nghề, được đào tạo bài bản về y học cổ truyền nên chị Trâm khá tự tin với tay nghề của mình. Người bệnh đến phòng khám của chị chủ yếu điều trị các bệnh đau vai gáy, thần kinh với liệu trình từ 7-10 ngày. Có nhiều nguyên nhân gây đau vai gáy như học tập, làm việc sai tư thế; thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, loãng xương, viêm khớp dạng thấp...
Còn theo Đông y, nguyên nhân đau vai gáy do phong hàn thấp tà xâm nhập vào cơ thể nhân lúc chính khí hư suy, khiến cho khí huyết vận hành không thông, làm gân cốt, cơ bắp, khớp xương bị đau, tê dại, co duỗi khó khăn.
“Để điều trị bệnh đau vai gáy, ngoài sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm, thuốc giãn cơ, vitamin nhóm B... thì việc kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu như điện châm rất có hiệu quả. Nhiều người sử dụng phương pháp này để điều trị chứng đau vai gáy tại phòng khám có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, việc thực hiện điện châm cần phải kiên trì và đều đặn mới mang lại hiệu quả”, chị Trâm cho biết.
Tại Khoa Y học cổ truyền, Trung tâm y tế thị xã Quảng Trị, ngày càng nhiều bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị này. Theo bác sĩ Lê Phước Anh, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, bệnh nhân đến điều trị tại khoa đông nhất là từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm.
Vào mùa đông, tuy các bệnh lý về xương khớp, thần kinh phổ biến hơn nhưng lượng bệnh nhân lại ít hơn so với mùa hè. “Nhờ được trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc nên y, bác sĩ của khoa cùng lúc thực hiện điện châm cho rất nhiều bệnh nhân, kết hợp chiếu đèn hồng ngoại và xoa bóp.
Khoa hiện có 10 người, trong đó có 2 bác sĩ, 3 kỹ thuật viên phục hồi chức năng, còn lại là y sĩ, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ vững vàng nên có tay nghề cao, được người bệnh tin tưởng”, bác sĩ Anh cho biết.
Cũng theo bác sĩ Anh, điện châm là phương pháp sử dụng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt châm cứu để chữa bệnh. Dòng điện có thể tác động lên huyệt qua kim châm hoặc qua điện cực nhỏ đặt lên da vùng huyệt. Châm cứu tác động vào các huyệt đạo giúp điều hòa lại hoạt động của dây thần kinh, lập lại cân bằng năng lượng cơ thể, giúp giãn cơ và giảm đau nhanh chóng.
Ngoài một số bệnh đơn giản nói trên, ở một số bệnh viện lớn còn tiếp nhận khám và điều trị các bệnh lý khó chữa như: liệt nửa người do tai biến mạch máu não ở người lớn, liệt do di chứng viêm não ở trẻ em, liệt mặt, giảm hoặc mất thị lực, câm điếc thứ phát, các loại liệt thần kinh, hỗ trợ cai nghiện ma túy... bằng phương pháp điện châm. Tuy nhiên, không phải người nào cũng phù hợp với việc điều trị bằng phương pháp này.
Theo các bác sĩ, một số trường hợp không nên châm cứu như: người bị căng thẳng cực độ khi tiếp xúc với kim tiêm; phụ nữ mang thai; người đang mắc các bệnh viêm nhiễm, bệnh da liễu; người đang mắc bệnh lý rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.
Ngoài ra, khi muốn sử dụng phương pháp này, mọi người phải lựa chọn các cơ sở uy tín được cấp phép hoạt động bởi Sở Y tế và được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn, có chứng chỉ hành nghề để phát huy tối đa tác dụng của việc châm cứu.
Minh Thảo