Chỉ một ngày sau khi được lấy huyết khối, bà T.T.X. đã bình phục tốt. Ảnh: An Yên
Mới đây nhất là trường hợp bà T.T.X. (ngụ xã Phú An, huyện Tân Phú) nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, nói khó, sụp mí mắt, yếu liệt toàn thân bên trái, méo miệng. Kết quả chụp MRI sọ não cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não bán cầu phải, tắc mạch máu lớn trong não. Sau khi giải thích cho người nhà, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Thái, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết từ khi bệnh nhân vào cấp cứu đến khi được can thiệp là 90 phút. Sau khi lấy ra cục huyết khối khoảng 5-6mm, mạch máu não của bệnh nhân đã tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân hồi phục nhanh, đến nay đã hết méo miệng, nói rõ ràng, đi lại được, ăn uống tốt, tay chân hoạt động ổn định.
Theo bác sĩ Thái, trong số 6 bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối từ tháng 10 đến nay, có 4 bệnh nhân phục hồi tốt, không để lại di chứng và 2 ca phục hồi tương đối tốt. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, méo miệng, nói ngọng, yếu liệt nửa người. Đáng lưu ý, nhiều gia đình ở xa hoặc phát hiện muộn nên các bệnh nhân được đưa vào viện khá trễ, đã quá thời gian để sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Vì vậy, bác sĩ lưu ý người thân của các bệnh nhân khi phát hiện người thân mình có các triệu chứng như trên cần khẩn trương đưa đến bệnh viện có điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt nhằm tăng cơ hội sống, hồi phục hoàn toàn cho người bệnh.
Bác sĩ Thái lưu ý, bệnh nhân đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa; bệnh nhân trẻ nhất nhập viện điều trị tại bệnh viện là 18 tuổi. Để phòng ngừa đột quỵ, người dân nên khám sức khỏe tổng quát mỗi năm 2 lần. Với những người có các bệnh nền như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu, có lối sống thụ động… cần hết sức lưu ý sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.
An Yên