Theo Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc y khoa của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng thực sự trong điều trị ung thư.
Giáo sư Sir Stephen Powis cho biết ung thư không còn được coi là bản án tử hình nữa. (Nguồn: Getty Images)
Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng trước khi từ chức, ông Powis cho biết, các phương pháp điều trị ung thư hiện nay đang phát triển với tốc độ nhanh đến mức việc chẩn đoán ung thư không còn đồng nghĩa với một bản án tử.
Những tiến bộ trong liệu pháp miễn dịch, thuốc điều trị nhắm trúng đích, xét nghiệm di truyền và phát hiện sớm đã mang lại hy vọng sống cho hàng nghìn bệnh nhân. Theo ông, điều trị ung thư đang chuyển mình từ một cuộc chiến mang tính tổng quát, sang một lĩnh vực y học chính xác, mang tính cá nhân hóa cao và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Ông Powis so sánh bước tiến trong điều trị ung thư ngày nay với cuộc cách mạng từng xảy ra trong điều trị HIV/AIDS vào cuối thế kỷ 20. Khi còn là một bác sĩ trẻ, ông đã chứng kiến cảnh bệnh nhân AIDS đau đớn và qua đời vì không có phương pháp điều trị hiệu quả. Nhưng chỉ trong vài thập kỷ, y học đã phát triển đến mức có thể kiểm soát được căn bệnh này, giúp người mắc HIV sống lâu và khỏe mạnh. Từ bài học đó, ông tin rằng điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra với ung thư.
Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng, những loại thuốc mới có khả năng "huấn luyện" hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư, đang tạo ra bước ngoặt lớn trong điều trị. Đồng thời, công nghệ xét nghiệm gen cho phép phân tích cấu trúc di truyền của khối u, từ đó xây dựng phác đồ điều trị riêng biệt cho từng bệnh nhân. Điều này giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Sự phát triển của các xét nghiệm máu tiên tiến cũng đang góp phần vào cuộc cách mạng này. Lần đầu tiên trên thế giới, NHS Anh đang triển khai xét nghiệm máu giúp phát hiện ung thư từ rất sớm và đưa ra hướng điều trị cá nhân hóa ngay từ đầu. Đây được xem là bước đi táo bạo có thể thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với căn bệnh nan y này.
Không chỉ tập trung vào điều trị, Anh còn hướng tới phòng ngừa ung thư bằng những chính sách mang tính chiến lược. Lệnh cấm hút thuốc lá đối với thế hệ trẻ, nếu được thực hiện triệt để, có thể giúp loại bỏ hoàn toàn một số loại ung thư phổi trong tương lai. Giáo sư Powis nhấn mạnh rằng, tuy không thể ngăn chặn mọi loại ung thư, nhưng có những loại hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu áp dụng đúng biện pháp và can thiệp sớm.
Thống kê tại Anh cho thấy mỗi năm có khoảng 385.000 người được chẩn đoán mắc ung thư. Tuy nhiên, nhờ điều trị hiệu quả hơn, hiện nay khoảng 50% bệnh nhân có thể sống ít nhất 10 năm sau khi phát hiện bệnh, gấp đôi tỷ lệ so với những năm 1970. Riêng với ung thư vú – một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, có đến 75% bệnh nhân hiện sống thêm ít nhất 10 năm, minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của y học hiện đại.
Giáo sư Powis cũng bày tỏ niềm tin rằng những ca ung thư phổi mà ông từng chứng kiến trong hơn 40 năm hành nghề sẽ dần trở nên hiếm gặp hơn nhiều trong 40 năm tới, nhờ vào các biện pháp phòng ngừa và điều trị đột phá. Ông gọi đó là "kỷ nguyên vàng" trong điều trị ung thư, thời kỳ mà nhiều căn bệnh từng là nỗi ám ảnh của nhân loại sẽ bị đẩy lùi.
Xuân Minh