Bệnh nhân Phạm T. T. được điều trị kháng sinh liều cao, nằm ở vị trí vô khuẩn
Tại khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình di chứng có bệnh nhân (BN) Đào M. (SN 1972) bị bỏng điện độ 3, 4, tương đương 8% ở vùng đầu mặt, bàn tay hai bên, khuỷu tay trái, mông, đùi gối 2 bên, bàn chân phải. Ca bệnh này còn đau đầu, đau nhức vết bỏng, chóng mặt. BN Lê Viết S. (SN 1952), bỏng điện ở tay phải, bàn chân trái.
Tại Khoa Gây mê hồi sức B có 2 BN, trong đó Hoàng T. M. (SN 1975) bỏng điện độ 2, 3 tương đương 6%, vị trí bỏng vùng đùi ở cẳng bàn chân hai bên, bàn tay trái. Hiện, bệnh tỉnh tiếp xúc tốt, huyết động tạm ổn, đau nhức vết bỏng. Bà Trương T. S. (SN 1953) bị bỏng điện độ 2, 3 tương đương 5% ở vùng cẳng bàn tay phải, ngực bụng, đùi cẳng chân trái, đang được theo dõi.
Tại Khoa Gây mê hồi sức A có BN Phạm T. T. (SN 1976) bỏng điện độ 2, 3, 4, tương đương 30% ở nhiều vị trí cơ thể như lưng, vai, mông, hai chân, bàn tay trái. Hiện BN tỉnh táo, huyết động tạm ổn; tuy nhiên, vết bỏng đau nhức, thoát dịch nhiều, tiên lượng nặng.
TS.BS Nguyễn Viết Quang Hiển, Phó trưởng Khoa Gây mê hồi sức A thông tin: “Riêng BN Phạm T. T. có diện tích bỏng lớn, sâu, tổn thương lớp dưới da, cơ; khả năng dẫn đến tình trạng phóng thích các chất gây hại cho thận, gan và máu. Về lâu dài, ca bệnh cần theo dõi tránh các biến chứng ở gan và thận. Do vùng bị bỏng có diện tích lớn nên nguy cơ nhiễm trùng cao, ca bệnh hiện được điều trị kháng sinh liều cao, bố trí nằm ở vị trí vô khuẩn; các kíp trực hàng ngày theo dõi sát sao trường hợp này”.
Chị Phạm T.T. người bị bỏng nặng kể: “Hiện tại, cơ thể tôi đau nhức khắp nơi và phải nằm sấp tránh ảnh hưởng vết thương. Chiều 22/1, vợ chồng tôi chặt tre dựng nêu, nhờ thêm 3 người hàng xóm hỗ trợ. Trong quá trình thướng nêu, vô tình va phải đường dây điện nên bị điện giật. Lúc vụ việc xảy ra, tôi bị ngất, được mọi người đưa đi cấp cứu. Chồng tôi là anh Hoàng T. M. đang điều trị, theo dõi ở một khoa khác”.
Tin, ảnh: L. TUỆ