Điều tuyệt đối không nên làm khi tiếp xúc kiến ba khoang

Điều tuyệt đối không nên làm khi tiếp xúc kiến ba khoang
6 giờ trướcBài gốc
Kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa mưa, gây hại cho con người. Ảnh: Shutterstock.
Bác sĩ Mông Tuấn Hùng, khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn chỉ ra biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân...
Diễn biến tổn thương
Ban đầu, người tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ cảm giác hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da. Sau 6-12 giờ, vùng da này biến thành đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5 mm.
Sau 1-3 ngày, mụn nước biến thành phỏng nước hoặc phỏng mủ, cảm giác đau, rát càng tăng. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.
Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt trong 2-3 ngày, ở bẹn có thể nổi hạch, bẹn sưng đau khiến đi lại khó.
Các phỏng mủ tiến triển ngoài 3 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần, khi rụng vẩy để lại vết xẫm màu. Toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày.
Phòng tránh kiến ba khoang đốt
Để tránh bị kiến ba khoang đốt, người dân nên:
Khi làm việc dưới ánh đèn tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng bâu vào cổ, mặt (khó thực hiện, vì đây là phản xạ…).
Khi tắm rửa vào buổi tối cần chú ý giũ mạnh khăn mặt trước khi dùng.
Vào mùa mưa, để đề phòng côn trùng bay vào nhà, người dân có thể xịt các thuốc diệt côn trùng không hại.
Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da, người bệnh nên rửa vùng đó bằng nước muối, xà phòng… để ngăn không nổi thành phỏng nước, phòng mủ.
Lưu ý khi bị kiến ba khoang đốt
Viêm da tiếp xúc liên quan đến côn trùng, nhất là do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở các vùng da hở. Người bệnh thường có biểu hiện bỏng rát da, phồng rộp đã nhầm tưởng là bệnh zona nên tự đi mua thuốc điều trị.
Không ít trường hợp bôi thuốc acyclovir vào các vết dị ứng dẫn đến loét da, tổn thương da nặng, phải nhập viện điều trị.
Trong trường hợp bị kiến ba khoang cắn, bò vào người mà lỡ tay đập chết, chà xát trên da thì cần nhanh chóng rửa ngay bằng nước sạch với xà phòng tại phần da đó.
Nếu vùng da đó bị phồng rộp, có biểu hiện viêm loét… người dân phải đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc điều trị bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid, chất giải độc tố…
Nếu điều trị đúng, chỉ trong khoảng 1 tuần vết thương sẽ khỏi. Nếu điều trị muộn hoặc sai, tổn thương sẽ lan rộng, gây loét da, việc điều trị sẽ khó khăn và kéo dài hơn.
Kỳ Duyên
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/dieu-tuyet-doi-khong-nen-lam-khi-tiep-xuc-voi-kien-ba-khoang-post1510879.html