Ngày 01/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát đi thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với sản phẩm kem massage Désembre Derma Science High Frequency (số tiếp nhận Phiếu công bố: 211274/23/CBMP-QLD cấp ngày 02/09/2023).
Nguyên nhân thu hồi là do sản phẩm có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố, mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố.
Kem Désembre Derma Science High Frequency được quảng cáo là sản phẩm massage tần sóng cao, giúp phân giải mỡ, giải tỏa cơ căng cứng, thúc đẩy tuần hoàn máu, cân bằng độ ẩm và ngăn ngừa lão hóa da.
Ngày 01/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát đi thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với sản phẩm kem massage Désembre Derma Science High Frequency.
Kem này do Công ty TNHH quốc tế Hyunjin C&T chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Công ty Hyunjin C&T CO., LTD (Hàn Quốc) là đơn vị sản xuất.
Theo đó, Công ty TNHH quốc tế Hyunjin C&T có địa chỉ kê khai trên hồ sơ công bố là BT20, ô đất TT2 Đô thị Phùng Khoang, phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội; tuy nhiên, địa chỉ hiện tại là nhà D5, KĐT Pandora, 53 Triều Khúc, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Cục Quản lý Dược đã yêu cầu Sở Y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh ngừng buôn bán, sử dụng sản phẩm này và trả lại cho đơn vị cung ứng. Đồng thời, các đơn vị phải thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng thu hồi Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và tạm ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ công bố mới từ công ty này trong 6 tháng kể từ ngày 30/6.
Các hồ sơ đề nghị cấp phép đã nộp trước thời điểm này đều mất hiệu lực. Sau thời gian tạm ngừng, công ty muốn tiếp tục công bố sản phẩm phải nộp hồ sơ mới theo quy định.
Sản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử với giá từ gần 1,2 triệu đến gần 2 triệu đồng/lọ 1.000g.
Các chuyên gia cảnh báo rằng sản phẩm không đúng công thức có thể chứa thành phần không an toàn, tăng nguy cơ phản ứng phụ và giảm hiệu quả bảo vệ sức khỏe.
Đặc biệt nguy hiểm là các sản phẩm kém chất lượng có thể gây kích ứng, dị ứng, tổn thương da lâu dài và nguy cơ nhiễm độc do hấp thụ chất độc hại qua da.
Thời gian qua, Bộ Y tế và các cơ quan y tế địa phương đã phát hiện nhiều vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dẫn đến việc thu hồi và tiêu hủy nhiều thuốc, mỹ phẩm giả và kém chất lượng.
Trong tháng cao điểm vừa qua, Cục Quản lý Dược đã kiểm tra đột xuất 38 cơ sở và phát hiện 17 cơ sở vi phạm.
Đồng thời, 20 tỉnh, thành phố đã kiểm tra 865 cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh, phát hiện 48 cơ sở vi phạm.
B.Loan