Dinh Cô nổi tiếng bên bờ biển TP.HCM thờ ai?

Dinh Cô nổi tiếng bên bờ biển TP.HCM thờ ai?
3 ngày trướcBài gốc
Dinh Cô nằm nép mình bên bờ biển thơ mộng của xã Long Hải, TP.HCM (trước đây là thị trấn Long Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cách trung tâm thành phố hơn 100km. Nơi này còn được gọi điện thờ Cô, hoặc điện thờ Bà Cô, từ lâu đã trở thành điểm đến tâm linh quen thuộc, nơi người dân và du khách tìm về để chiêm bái, cầu an và khám phá một phần đời sống văn hóa tín ngưỡng đậm bản sắc vùng biển.
Sức hút của Dinh Cô còn nằm ở câu chuyện kỳ bí, cảm động về một người con gái trẻ tử nạn trên biển và được người dân tôn thờ như một vị thần bảo hộ của làng chài.
Di tích lịch sử Dinh Cô (xã Long Hải, TP.HCM)
Dinh Cô thờ ai?
Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, Dinh Cô được khởi đầu xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, thờ một trinh nữ cô tên là Lê Thị Hồng, tục gọi là Thị Cách. Cô là con gái của ông Lê Văn Khương và bà Thạch Thị Hà, nguyên quán ở xã Tam Quan, tỉnh Gia Lai (phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cũ).
Năm 17 tuổi, cô Hồng theo cha mẹ vào Gia Định buôn bán bằng thuyền. Khi đến vùng biển Long Hải, gặp cơn giông dữ, cô không may rơi xuống biển và thiệt mạng, thi thể trôi dạt vào hòn Hang rồi được ngư dân phát hiện, đem về chôn cất trên đồi, nơi ngày nay gọi là Cô Sơn.
Truyền thuyết dân gian kể rằng từ đó, người dân trong vùng thường xuyên mộng thấy cô hiển linh, ban điềm lành, giúp tai qua nạn khỏi, trị bệnh cứu người. Họ tin rằng cô gái ấy không chỉ có đức độ mà còn rất linh thiêng, liền dựng miếu nhỏ ngoài bãi biển để thờ phụng và tôn xưng cô là "Long Hải thần nữ Bảo an Chánh trực Nương nương Chi thần".
Long Hải thần nữ được thờ trong Dinh Cô.
Dân gian cũng lưu truyền câu chuyện khác về nhân vật này. Sách Đại Nam nhất thống chí nhắc đến Dinh Cô như sau: “Ngoài mỏm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi mỏm Dinh Cô, có một đống vừa cát vừa đá, trước kia có người con gái chừng 17-18 tuổi bị bão dạt đến đây, được người địa phương chôn cất, sau đó mộng thấy người con gái ấy, tự xưng là Thị Cách đến đây giúp đỡ, người ta cho là thần, lập đền thờ đến nay vẫn còn".
Từ một ngôi miếu tranh đơn sơ bên biển, theo thời gian, Dinh Cô được người dân Long Hải dời lên chân núi Thùy Vân, sau đó là núi Kỳ Vân, nơi hiện nay Dinh Cô tọa lạc. Trải qua thăng trầm lịch sử, dù từng bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn năm 1987, ngôi đền vẫn được người dân thành tâm công đức trùng tu lại khang trang và tôn nghiêm hơn. Đến năm 1995, Dinh Cô được xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.
Điểm tựa tâm linh của người dân biển
Đối với người dân Long Hải và cư dân miền biển Đông Nam Bộ, niềm tin vào những vị thần linh phù hộ giữa sóng gió giúp họ thêm an tâm trong cuộc mưu sinh. Họ tin rằng giữa mênh mông đại dương, sự che chở của Thủy thần, thần Cá Voi (Nam Hải Đại tướng quân) hay Long Hải thần nữ sẽ giúp vượt qua những hiểm họa khôn lường.
Tín ngưỡng thờ nữ thần tại Dinh Cô gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần, tâm linh của ngư dân. Mỗi chuyến ra khơi là một lần họ đặt niềm tin vào những lời khấn nguyện gửi gắm đến Bà Cô. Dinh Cô cũng là nơi người dân cầu cho sức khỏe, mùa cá bội thu, gia đình bình an, tai qua nạn khỏi.
Ngoài Dinh Cô, Long Hải còn có nhiều điểm thờ tự khác như Dinh Ông (thờ cá voi), Miếu Bà Lớn (thờ Thủy thần), góp phần làm nên không gian văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người Việt vùng duyên hải.
Người dân hành hương đổ về chiêm bái tại Dinh Cô.
Quần thể Dinh Cô có gì đặc biệt?
Dinh Cô hiện tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1.000m² dưới chân núi Kỳ Vân, còn Mộ Cô nằm cách đó không xa, trên đồi Cô Sơn, ba mặt giáp biển, cách ngôi điện thờ chừng 1km về phía Đông.
Chính điện của Dinh Cô được chia làm bốn tầng. Tầng thấp nhất đặt các đồ tế khí, ba tầng trên thờ tượng các vị thần. Nổi bật nhất là tượng Bà Cô cao khoảng 0,5m, mặc áo choàng đỏ, đội mũ vàng có gắn ngọc, bài vị khắc "Thánh nữ nương nương" và "Long Hải thần nữ". Hai bên tượng là bài vị thờ song thân của Bà Cô: Ông Lê Văn Thương (tượng đen) và bà Thạch Thị Hà (tượng trắng).
Chính điện Dinh Cô.
Bên phải chính điện là tượng Chúa Cậu – Cậu Tài, Cậu Quý – biểu tượng cho tài lộc và phúc khí. Phía sau tượng Bà Cô là năm tượng Ngũ hành nương nương đại diện cho Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Cao nhất là tượng Diêu Trì Phật mẫu, biểu tượng tối cao của đạo Mẫu, hai bên là Tứ pháp nương nương: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện.
Kiến trúc thờ tự trong Dinh Cô là sự hòa quyện tinh tế giữa tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ nữ thần bản địa với các tín ngưỡng dân gian khác. Điều này phản ánh sự linh hoạt, mềm dẻo trong đời sống tâm linh của người Việt, đặc biệt là cư dân miền biển, nơi giao thoa giữa đất trời và đại dương.
Trong năm, Dinh Cô có nhiều dịp cúng lễ như Tết Nguyên đán, lễ Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), lễ Tam nguyên (rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười), nhưng quan trọng nhất vẫn là Lễ hội Dinh Cô diễn ra vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 Âm lịch.
Lễ hội Dinh Cô được tổ chức hàng năm. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Lễ hội Dinh Cô không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ, tri ân vị nữ thần bảo hộ mà còn là sự kiện lớn mang tính cộng đồng, thu hút hàng vạn người từ khắp nơi đổ về Long Hải. Lễ hội có đầy đủ nghi thức truyền thống như lễ rước linh vị, cúng tế, dâng hương, cùng các hoạt động văn hóa dân gian như hát bội, múa lân, thả đèn hoa đăng… tạo nên bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa náo nhiệt, đậm chất miền biển.
Ngày nay, du khách tìm về Long Hải không chỉ để tận hưởng biển xanh, cát trắng và không khí trong lành, mà còn để khám phá một không gian tín ngưỡng đặc sắc nơi Dinh Cô. Những ai từng ghé qua đây đều không khỏi ấn tượng với vẻ uy nghiêm của dinh, sự linh thiêng bao trùm khắp không gian và cảm nhận được sự thanh thản, an yên trong tâm hồn.
Nhật Thùy (Tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/dinh-co-noi-tieng-ben-bo-bien-tp-hcm-tho-ai-ar952257.html