Đình cổ ở TPHCM có báu vật trăm năm, một thời ẩn chứa bí mật dưới lòng đất

Đình cổ ở TPHCM có báu vật trăm năm, một thời ẩn chứa bí mật dưới lòng đất
một ngày trướcBài gốc
Cổng ngôi đình cổ được xây dựng mới khang trang. Ảnh: Hà Nguyễn
Báu vật của đình cổ
Trong khuôn viên nhiều cây xanh được trồng thành hàng thẳng tắp, đình Cây Sộp (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi nay là xã Tân An Hội, TPHCM) có diện tích khiêm tốn.
Đình không có mái ngói đỏ, cột gỗ mang nhiều họa tiết bắt mắt. Thay vào đó, đình được xây dựng giản đơn với tường gạch, mái tôn cũ. Dù vậy, đình Cây Sộp vẫn mang dáng dấp của đình làng Nam Bộ với quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà liền sát nhau theo kiểu sắp đọi.
Đình không mang vẻ đẹp kiến trúc cuốn hút khách tham quan, mà được dựng từ tường gạch, mái tôn trong khuôn viên nhiều cây xanh. Ảnh: Hà Nguyễn
Theo các thông tin tại đình, đình Cây Sộp còn có tên là đình Vĩnh An Tây, được xây dựng đầu thế kỷ XIX thuộc thôn Vĩnh An Tây, huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sau giải phóng, thôn Vĩnh An Tây thuộc ấp Cây Sộp, nay là xã Tân An Hội.
Thuở ban đầu, đình cổ được dân làng dựng bằng gỗ, lợp ngói để thờ thần Thành hoàng Bổn cảnh. Năm 1945, để ngăn Pháp chiếm đây làm nơi đóng quân, dân quân ấp Cây Sộp đã dỡ mái ngói của đình, chỉ chừa lại cột chống, giàn kèo nơi chính điện.
Năm 1967, ngôi đình bị Mỹ san bằng để xây dựng căn cứ quân sự Đồng Dù. Ít năm sau, đình được dựng tạm ở trong ấp chiến lược Xóm Trảng- Sở Cao su Ba Lăng (gần thị trấn Củ Chi cũ).
Lúc này, đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ, mái lợp tôn, cột gỗ thông. Năm 1975, ngôi đình được xây dựng lại với vật liệu đơn sơ trên nền cũ.
Năm 1997, đình được tu bổ, sửa chữa khang trang với tường gạch, mái tôn có đầy đủ sân, võ ca, chính điện, nhà chầu và các nhà phụ như Đông lang, Tây lang...
Ông Đỗ Thanh Sơn (78 tuổi, người làm công quả tại đình từ năm 1978 đến nay) cho biết, năm 1853, đình Cây Sộp được vua Tự Đức ban tặng sắc phong.
Từ lâu, sắc phong được xem như vật linh thiêng của đình. Hiện, sắc phong không được lưu giữ tại đình mà cất ở một nơi khác để đảm bảo an toàn.
Đến lễ Kỳ Yên (rằm tháng 2 âm lịch), hội trưởng của đình thỉnh sắc phong về đình làm lễ. Khi thỉnh, người hội trưởng phải bưng sắc phong bằng 2 tay, đưa cao hơn đầu trong lúc di chuyển.
Ông Sơn kể: “Với người dân nơi đây, sắc phong của đình là vật linh thiêng, không ai dám mạo phạm. Thời chống Mỹ, đình bị địch san phẳng, người dân cũng cố gắng bảo vệ, mang hộp đựng sắc phong đi tản cư, quyết không để vật báu bị hư hại".
Mặt trước của chính điện. Ảnh: Hà Nguyễn
Từng sở hữu hệ thống địa đạo rộng lớn
Ngoài lưu giữ những giá trị thiết chế văn hóa làng xã truyền thống của người Việt Nam thời kỳ đi mở đất lập làng, đình Cây Sộp từng là căn cứ cách mạng trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ.
Các tài liệu tại đình ghi nhận, trong thời kỳ chống Pháp, khu vực đình là rừng cây rậm rạp, có hệ thống địa đạo thông với các đường hầm xung quanh. Vì vậy, đình được chọn làm căn cứ cách mạng.
Hương án trước chính điện của đình cổ. Ảnh: Hà Nguyễn
Theo ông Sơn, hệ thống địa đạo trong khuôn viên và xung quanh đình rộng lớn. Nhờ có hệ thống địa đạo này, lực lượng cách mạng đã khiến địch khiếp sợ, có những chiến thắng vang dội trong 2 cuộc kháng chiến.
"Địa đạo trong ấp và xung quanh đình Cây Sộp không phải do người địa phương trực tiếp đào. Lực lượng cách mạng vận động bà con ở các ấp khác như Tân Thông Hội, Tân Phú Trung… đến đào.
Sau khi vận động, lực lượng này được tập kết ở một vị trí bí mật. Đợi đến đêm mới có người dẫn đường, đưa họ đến nơi đào. Xong việc, họ được đưa về nhà vào buổi tối. Vì vậy, không ai biết mình đào chỗ nào", ông Sơn nói.
Bàn thờ thần trong chính điện của đình Cây Sộp. Ảnh: Hà Nguyễn
Năm 1949, phong trào du kích tại Tân An Hội phát triển mạnh, đình Cây Sộp trở thành nơi lực lượng du kích địa phương tổ chức các trận đánh lô cốt địch.
Đến giai đoạn chống Mỹ, đình Cây Sộp là nơi đầu tiên tập trung lực lượng thanh niên từ trong các ấp chiến lược thoát ly tham gia cách mạng.
Ngoài ra, nơi đây còn là địa điểm hội họp, lên sa bàn, bàn kế hoạch tổ chức các trận đánh dinh quận Củ Chi và các vùng lân cận.
Ông Sơn, người giữ đình từ năm 1978 cho biết, trước đây trong khuôn viên và xung quanh đình Cây Sộp có hệ thống địa đạo phức tạp nhưng nay không còn. Ảnh: Hà Nguyễn
Ông Châu Văn Sự, Trưởng ban Quý tế đình Cây Sộp khẳng định, xưa kia khuôn viên đình và khu vực xung quanh có hệ thống địa đạo rộng khắp. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hệ thống địa đạo không còn.
"Trước khi đình được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2006, lực lượng chức năng của thành phố đến phục hồi, tôn tạo lại 2 hầm bí mật và một đoạn đường hầm trong khuôn viên đình để phục vụ khách tham quan.
Tuy vậy, đến nay, các hầm này đều bị cỏ cây che phủ, không còn nhận diện được. Ngoài những người có tuổi, nằm trong ban quý tế của đình, đã từng chứng kiến địa đạo, hầm bí mật mới biết vị trí của các hầm này.
Vào rằm tháng 2 âm lịch hằng năm, đình tổ chức lễ Kỳ Yên. Dịp này, người dân tề tựu về đây cúng bái linh thần, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ rất đông.
Trước đây, mỗi dịp lễ Kỳ Yên, đình lại tổ chức lễ Xây Chầu, hát bội… Những năm gần đây vì thiếu kinh phí, đình không thể tổ chức thường xuyên. Thay vào đó, cứ 3 năm, đình mới lại tổ chức hát bội, làm lễ Xây Chầu một lần", ông Sự nói.
Hà Nguyễn
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/dinh-co-o-tphcm-co-bau-vat-tram-nam-mot-thoi-an-chua-bi-mat-duoi-long-dat-2424180.html