Đình công ở cảng biển Mỹ chấm dứt

Đình công ở cảng biển Mỹ chấm dứt
3 giờ trướcBài gốc
Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế và Liên minh Hàng hải Mỹ đã gia hạn hợp đồng đến ngày 15/1/2025 để hai bên có thời gian đàm phán hợp đồng mới. Ảnh: AFP
Động thái này chấm dứt cuộc đình công ở các cảng biển lớn ở Bờ Đông và Bờ Vịnh (Gulf Coast) nước Mỹ từ đầu tuần.
"Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế và Liên minh Hàng hải Mỹ đã đạt được thỏa thuận tạm thời về tiền lương và nhất trí gia hạn hợp đồng chính cho đến ngày 15/1/2025 để quay lại đàm phán tất cả các vấn đề còn tồn đọng khác", hai bên nêu trong tuyên bố chung ngày 3/10.
Cuộc đình công trong tuần này đã gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng của Mỹ. Hàng nghìn container đã bị dồn ở các cảng biển và các tàu hàng chở hàng tỷ USD hàng hóa buộc phải neo đậu ngoài khơi vì các cảng không hoạt động.
Đó cũng là cuộc đình công đầu tiên của các thành viên Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế kể từ năm 1977 và đã ảnh hưởng đến hoạt động tại 14 cảng khác nhau. Khoảng 50.000 trong số 85.000 thành viên Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế đã đình công trong tuần này, theo đài CNBC.
Trước khi hai bên đạt được thỏa thuận tạm thời, Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông đã khẳng định họ không viện dẫn đạo luật quan hệ quản lý lao động Taft-Hartley để buộc công nhân bốc xếp của Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế quay trở lại làm việc tại cảng.
Công nhân bốc xếp làm việc tại cảng kiếm được 39 USD/giờ, theo một hợp đồng trước đó giữa Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế và Liên minh Hàng hải Mỹ. Sau khi hợp đồng này hết hạn, Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế hôm 1/10 thông báo rằng họ đã đề nghị tăng lương 5 USD/giờ mỗi năm trong hợp đồng mới kéo dài 6 năm, tương đương với mức tăng gần 80%.
Theo các nguồn tin của đài CNBC, Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế đề xuất tăng tiền lương 61,5% trong 6 năm theo thỏa thuận tạm thời với Liên minh Hàng hải Mỹ. Ngoài ra, Hiệp hội Bốc dỡ hàng hóa Quốc tế và Liên minh Hàng hải Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán giải quyết các vấn đề liên quan đến tự động hóa cảng biển.
Ông Lars Jensen, Tổng giám đốc điều hành công ty tư vấn vận tải biển Vespucci Maritime, cho biết: "Việc tăng lương thực sự sẽ được chuyển tiếp và cuối cùng sẽ được các nhà nhập khẩu chi trả".
Ông Jensen cho biết: "Tác động tăng giá sẽ thay đổi đáng kể tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa bên trong container", đồng thời lưu ý rằng tác động này sẽ còn lớn hơn đối với các nhà xuất khẩu nông sản.
Dựa trên các cuộc đình công tại cảng trước đó, các hãng vận tải biển thường hưởng lợi từ giá cước tăng cao dựa trên nhu cầu đối với các cảng khác cũng như phí kho bãi đối với các container bị mắc kẹt trong thời gian cảng đóng cửa.
Các nhà phân tích dự đoán giá cước vận tải biển có thể tăng 20-50% do tắc nghẽn hàng hóa ở cảng biển. Theo tập đoàn dịch vụ tài chính UBS, 20% khối lượng vận chuyển của “gã khổng lồ” vận tải biển Maersk cập cảng ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công. Nếu giá cước vận tải tăng 30% trong hai quý, doanh thu sẽ tăng thêm hơn 1 tỷ USD, UBS ước tính.
Đông Phong
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/dinh-cong-o-cang-bien-my-cham-dut-d226606.html