Đình công quy mô lớn lan rộng khắp các bang trọng điểm của Ấn Độ

Đình công quy mô lớn lan rộng khắp các bang trọng điểm của Ấn Độ
5 giờ trướcBài gốc
Hành khách ùn ứ khi chờ tàu ở Siliguri, Ấn Độ ngày 15/12/2019 do ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo thời báo Hindustan ngày 9/7, hơn 250 triệu người lao động trong các lĩnh vực dịch vụ công trên toàn Ấn Độ hôm nay tham gia cuộc đình công toàn quốc để phản đối các chính sách bị cho là “thiên vị tập đoàn” của chính phủ trung ương.
Bharat Bandh là cụm từ trong tiếng Hindi có nghĩa là “Ấn Độ đóng cửa” - thường được dùng để chỉ các cuộc tổng đình công quy mô toàn quốc, khiến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội tạm dừng hoạt động nhằm gây áp lực lên chính phủ và thể hiện sự phản đối của người dân.
Cuộc đình công do liên minh gồm 10 công đoàn lao động lớn tổ chức, đại diện cho nhiều ngành nghề trọng yếu trên cả nước. Lực lượng tham gia bao gồm công nhân trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính, bưu chính, khai thác than, sản xuất công nghiệp, vận tải công cộng, các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan chính phủ. Lao động tại một số đơn vị lớn như Tổng công ty Phát triển Khoáng sản Quốc gia (NMDC), các nhà máy luyện thép và doanh nghiệp khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước cũng xác nhận sẽ tham gia đình công.
Theo Thời báo Ấn Độ ngày 9/7, Bharat Bandh đã gây ảnh hưởng rõ rệt tại nhiều bang và thành phố trọng điểm của Ấn Độ.
Tại Gujarat, hơn 20.000 nhân viên ngân hàng tham gia đình công, khiến hoạt động tại hàng nghìn chi nhánh bị đình trệ. Tây Bengal ghi nhận các điểm nóng biểu tình tại Howrah và Jadavpur, buộc cảnh sát phải can thiệp để giải tỏa các tuyến đường bị chặn. Tại Kerala, hệ thống xe buýt công cộng gần như ngừng hoạt động, nhiều trung tâm thương mại và trường học đóng cửa. Ở Odisha, biểu tình làm gián đoạn lưu thông trên quốc lộ tại Bhubaneswar. Bang Bihar đồng thời diễn ra hai cuộc biểu tình lớn, khiến nhiều tuyến đường sắt và đường bộ bị chặn. Ngoài ra, các đô thị lớn như Kolkata, Delhi, Mumbai và Bengaluru cũng ghi nhận tình trạng gián đoạn trong ngành ngân hàng, bưu chính, điện lực và giao thông công cộng.
Theo các tổ chức công đoàn, những lo ngại của họ đã bị chính phủ phớt lờ trong suốt thời gian dài. Dù đã gửi bản yêu sách gồm 17 điểm tới Bộ trưởng Lao động Mansukh Mandaviya từ năm ngoái, họ cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nghiêm túc nào. Họ cho rằng chính phủ đã “phớt lờ” phúc lợi của người lao động và ưu tiên lợi ích cho các tập đoàn trong và ngoài nước, điều thể hiện rõ qua các chính sách hiện hành. Cụ thể, họ cáo buộc chính phủ không tổ chức Hội nghị Lao động Ấn Độ trong suốt 10 năm qua, đồng thời thúc đẩy 4 bộ luật lao động mới mà theo họ là làm suy yếu quyền lực công đoàn và gia tăng thời gian làm việc. Bên cạnh đó, việc mở rộng hình thức lao động hợp đồng, đẩy mạnh tư nhân hóa, phớt lờ yêu cầu tuyển dụng khu vực công và tăng lương cho người lao động, cùng với việc ưu đãi nhà tuyển dụng mà không giải quyết thực trạng thất nghiệp trong giới trẻ là những nguyên nhân khiến các tổ chức lao động kêu gọi đình công trên phạm vi toàn quốc.
Ủng hộ cuộc đình công, Thượng nghị sĩ Randeep Singh Surjewala, Tổng Thư ký của Đảng Quốc đại, cho biết rằng 80% lực lượng lao động Ấn Độ đang làm việc trong khu vực phi chính thức và 60% không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Ông nhấn mạnh rằng cuộc đình công nhằm phản đối các chính sách mà các công đoàn cho là "chống lại người lao động, nông dân và lợi ích quốc gia, trong khi lại ưu ái giới tập đoàn". Ông cũng cho biết thêm, 53% lực lượng lao động tại Ấn Độ hiện không có bất kỳ chế độ an sinh xã hội nào, đồng nghĩa với việc không được hưởng bảo hiểm hay lương hưu.
Đây không phải là lần đầu tiên Bharat Bandh diễn ra tại Ấn Độ, nhưng cuộc đình công ngày 9/7 được xem là có quy mô và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Hải Trần/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/dinh-cong-quy-mo-lon-lan-rong-khap-cac-bang-trong-diem-cua-an-do-20250709164718448.htm