Bất cập từ thực tiễn
Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C tăng trưởng nhanh chóng, từ 2,97 tỷ USD năm 2014 lên hơn 25 tỷ USD năm 2024, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Định danh người bán hàng online bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Ảnh minh họa
Thị trường thương mại điện tử toàn cầu dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, Việt Nam tiếp tục nằm trong top các nước tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, thị trường thương mại điện tử cũng đối diện với không ít thách thức cần có giải pháp tháo gỡ nhanh chóng.
Bộ Công Thương nhận định, kiểm soát người bán trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước. Văn bản pháp lý về thương mại điện tử đang giao trách nhiệm cho chủ nền tảng thương mại điện tử xác định danh tính của người bán trong và ngoài nước trên sàn, điều này dẫn đến không ít tồn tại, bất cập.
Cụ thể, với khó khăn trong xác định danh tính người bán: Hiện tại, nhiều nền tảng thương mại điện tử chưa định danh và xác thực điện tử đối với người bán, dẫn đến khó kiểm soát chính xác thông tin về người bán, đặc biệt với người bán ở nước ngoài hoặc người bán không tuân thủ quy định pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước cũng không nắm được một người bán hoạt động trên bao nhiêu nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó là khó khăn trong truy vết và xử lý vi phạm. Việc chưa có quy định chặt chẽ về xác minh và lưu trữ thông tin người bán làm cho công tác điều tra, xử lý vi phạm trong giao dịch thương mại điện tử trở nên phức tạp. Các cơ quan chức năng khó truy vết kho hàng hoặc đối tượng bán hàng khi có vi phạm.
Ngoài ra, còn nhiều rủi ro về gian lận và trốn thuế, vì không có cơ chế định danh điện tử cũng như kiểm tra, giám sát toàn diện, các nền tảng thương mại điện tử có thể bị lạm dụng để thực hiện hoạt động gian lận hoặc trốn thuế. Các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế, không thể theo dõi đầy đủ những giao dịch và hoạt động của người bán.
Đáng lo ngại, người tiêu dùng khó xác minh độ tin cậy của người bán trên sàn thương mại điện tử nếu thông tin về người bán không được rõ ràng và minh bạch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng, giảm độ tin cậy của nền tảng thương mại điện tử.
Thực tế thời gian qua, số vụ vi phạm bị xử lý về hàng giả, hàng nhái, cạnh tranh không lành mạnh trên thương mại điện tử cũng gia tăng. Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, riêng năm 2024, Cục đã tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.
Giới chuyên gia nhận định, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng sẽ còn diễn biến phức tạp. Không ít sản phẩm hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên thương mại điện tử thời gian qua khi bị phát hiện, đối tượng đã xóa và đổi tài khoản. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thu thuế trên thương mại điện tử cũng như không bảo đảm được quyền lợi người tiêu dùng.
Nâng cao quản lý và kiểm soát nguồn hàng
Tại Nghị quyết 09/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên sàn thương mại điện tử thông qua VneID.
Nhiều ý kiến bày tỏ, với hơn 61 triệu người dùng thương mại điện tử, cộng với việc nhiều sàn giao dịch luôn đưa ra những chính sách giảm giá rầm tộ tới 70%, đây là yêu cầu cấp thiết trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế ngày càng tinh vi, phức tạp. Nếu không có giải pháp kiểm soát, khi mua hàng qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng kém chất lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Một số quốc gia đã áp dụng định danh người bán qua thương mại điện tử khá thành công. Ví dụ tại Thái Lan, ngoài sản phẩm trên các nền tảng kỹ thuật số phải đáp ứng quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này thì người bán hàng phải cung cấp thông tin chi tiết về chứng chỉ tiêu chuẩn, nhà nhập khẩu, các thông tin liên quan trọng khác. Nhà cung cấp cũng phải xác thực danh tính của mình khi nộp đơn xin bán hàng trên nền tảng kỹ thuật số.
Nhiều quốc gia khác, ngoài yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, không cho phép người bán hàng trực tuyến đưa ra so sánh như "rẻ nhất" hay "tốt nhất"... thì cũng yêu cầu định danh người bán hàng, ngoài mục đích bảo vệ người tiêu dùng còn đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết, với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và yêu cầu quản lý chặt chẽ từ Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường thanh kiểm tra, đồng thời phối hợp liên ngành để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh đến 3 lợi ích quan trọng khi thực hiện định danh người bán trên thương mại điện tử qua VneID: Thứ nhất, định danh người bán là giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp truy xuất nguồn gốc người bán, giảm nguy cơ lừa đảo, bán hàng giả. Người mua hàng từ đó thêm căn cứ để tin tưởng vào người bán, giảm thiểu rủi ro gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc các hành vi lừa đảo.
Thứ hai, giải pháp này hỗ trợ cơ quan quản lý chức năng có thể kết nối, chia sẻ thông tin, tăng cường phối hợp kiểm soát hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, xử lý vi phạm nhanh chóng, minh bạch.
Thứ ba, định danh người bán là phương pháp hiệu quả tăng cường quản lý thuế, giúp xác định chính xác doanh thu thương mại điện tử, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
VNeID không phải là giải pháp mới mà đã được ứng dụng thành công trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Khi thông tin người bán được xác thực thông qua VNeID, mức độ bảo mật và độ tin cậy của dữ liệu sẽ cao hơn nhiều so với việc tự cung cấp như hiện nay.
Tâm An