Theo Nghị định 147/2024 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ hôm nay, 25-12, tài khoản mạng xã hội (MXH) phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc số định danh cá nhân mới được phép đăng bài, bình luận, livestream... Đặc biệt, người sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân (số căn cước công dân).
Chặn né thuế, cạnh tranh xấu
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Decision Lab, tại Việt Nam, Facebook hiện vẫn là nền tảng MXH dẫn đầu về độ phủ sóng, chiếm 62% thị phần dịch vụ livestream. Khảo sát của nền tảng tổng hợp thông tin Accesstrade cho thấy có 3 nền tảng cung cấp dịch vụ livestream phổ biến ở Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,25%). Ước tính bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên live bán hàng với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán.
Về phía người dùng MXH, báo cáo của NielsenIQ chỉ ra trung bình người Việt dành 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng. Sự bùng nổ và ngày càng khó kiểm soát của hình thức bán hàng này đòi hỏi cần có quy định về định danh đối với tài khoản MXH livestream với mục đích thương mại.
Bà Nguyễn Lan Anh (TP Thủ Đức), quản lý gian hàng thời trang trên một số sàn thương mại điện tử (TMĐT), cho rằng quy định bắt buộc định danh tài khoản livestream bán hàng sẽ "chặn đường" trốn thuế, né thuế của người kinh doanh online. Đồng thời hạn chế tình trạng buôn bán hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ do tất cả dữ liệu, giao dịch đều liên kết với tài khoản.
"Một số sàn TMĐT đã yêu cầu tất cả người bán cập nhật thông tin thuế, CCCD..., nếu phát hiện khai báo gian lận sẽ khóa tài khoản. Khi đó, tất cả dữ liệu về giao dịch sản phẩm, tổng doanh thu bán hàng thông thường lẫn bán hàng trên livestream... đều có thể kiểm soát. Quy định định danh tài khoản phục vụ mục đích thương mại trên MXH cũng sẽ mang lại hiệu quả tương tự" - bà Lan Anh nhận xét.
Anh N.H.H, chủ gian hàng đồ gia dụng Hàn Quốc trên một số nền tảng MXH, cho hay hình thức livestream bán hàng trên mạng đang rất "hot". Nếu yêu cầu bắt buộc định danh tài khoản bán hàng, sẽ có trường hợp người bán "lách" bằng cách dùng 5-10 tài khoản khác nhau để livestream. Tuy nhiên, hình thức này sẽ không mang lại hiệu quả cao bởi để thu hút người dùng xem live và chốt đơn, tài khoản cần có thương hiệu, uy tín, mức độ nổi tiếng nhất định... "Nếu xảy ra tình trạng lách luật, cơ quan chức năng cũng sẽ dễ dàng truy ra chủ tài khoản để truy thu thuế. Tình trạng người bán quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, giao hàng không đúng như quảng cáo, thất thu thuế... sẽ giảm đáng kể và những người kinh doanh tuân thủ pháp luật không còn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh" - ông H. tin tưởng.
Tài khoản livestream bán hàng trên mạng xã hội từ nay phải định danh bằng số định danh cá nhân
Tăng niềm tin của người mua hàng
Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng Ban Phát triển nguồn lực Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), đánh giá quy định mới có thể giúp việc bán hàng online bài bản hơn, hạn chế kiểu làm ăn "chụp giật"; tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ giảm đáng kể khi người bán chịu sự ràng buộc pháp lý. "Khi đó, nhà bán hàng sẽ tự nâng cao ý thức để phát triển bền vững, xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Người tiêu dùng mua được hàng hóa đúng chất lượng, được bảo vệ nếu xảy ra tranh chấp, niềm tin với TMĐT tăng lên thì nhà bán cũng được hưởng lợi" - ông Minh phân tích.
Theo chuyên gia TMĐT Lưu Thanh Phương, khi tài khoản người bán hàng được xác thực sẽ hạn chế tình trạng lừa đảo trên mạng, ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, quy định mới này vẫn khó thể kiểm soát tuyệt đối các hoạt động mua bán online gian dối, núp bóng lừa đảo. Do đó, cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để xác minh danh tính người dùng nhằm phát hiện gian lận và thu thập, xử lý phản ánh của người tiêu dùng một cách nhanh nhất để bảo vệ, ổn định thị trường.
Đại diện một công ty công nghệ tại TP HCM cho rằng khi cơ quan quản lý đã thu thập dữ liệu lớn, có thể sử dụng công nghệ phân tích kỹ hơn về hoạt động kinh doanh trực tuyến, qua đó nhận diện được các xu hướng và phát hiện bất thường. Bên cạnh đó, cần tự động hóa quy trình kiểm tra, phát hiện gian lận, giao dịch bằng trí tuệ nhân tạo để kiểm soát triệt để hơn.
Giảm tài khoản giả mạo, nội dung nhảm
Là người dùng Facebook lâu năm, ông Nguyễn Thanh Hoài (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) hy vọng khi mọi tài khoản MXH đều được xác thực bằng số điện thoại hoặc định danh bằng CCCD, tài khoản ảo và giả mạo sẽ giảm đáng kể. Nhờ đó, không gian MXH sẽ "trong lành" hơn, giảm được nhiều nội dung bẩn, nhảm nhí, sai sự thật để câu like, câu view, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. "Tài khoản ảo trên Facebook, TikTok hiện nay rất nhiều, bình luận như một cái máy và cố ý dùng ngôn ngữ gây chiến để tăng tương tác" - ông Hoài phản ánh.
Ông T.H.T (quận 3, TP HCM) kể từng bị một tài khoản MXH đăng thông tin sai sự thật về bản thân với mục đích bôi nhọ, hạ bệ, gây ảnh hưởng lớn đến công việc và gia đình. "Hy vọng rằng sau khi quy định bắt buộc xác thực tài khoản MXH có hiệu lực, thông tin trên mạng sẽ "sạch" hơn. Nếu cá nhân nào vi phạm, gây ảnh hưởng tới danh dự, quyền lợi của người khác thì sẽ nhanh chóng bị xử lý" - ông T. bày tỏ.
Tuy nhiên, một số người người lo lắng việc cung cấp thông tin cá nhân cho các nền tảng MXH để phục vụ mục đích xác thực sẽ có rủi ro lộ lọt, lừa đảo..., do đó kiến nghị cơ quan quản lý có giải pháp bảo vệ dữ liệu của người dân một cách chặt chẽ.
Bài và ảnh: LÊ TỈNH -