Dinh dưỡng hợp lý, phòng các bệnh mạn tính

Dinh dưỡng hợp lý, phòng các bệnh mạn tính
19 giờ trướcBài gốc
Dinh dưỡng hợp lý, đó là khẩu phần ăn hàng ngày phải đủ về số lượng và cân đối về chất lượng. Cân đối giữa các chất sinh năng lượng (đạm, béo, đường) cân đối giữa thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật.
Dinh dưỡng không hợp lý, kể cả thiếu hoặc thừa đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Nếu tình trạng dinh dưỡng không hợp lý kéo dài sẽ cản trở quá trình phục hồi của trẻ. Do đó, việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ là việc làm cần thiết.
Thường xuyên theo dõi và kiểm tra sự phát triển của trẻ từ những năm đầu đời. (Ảnh chụp tại Trạm Y tế xã Hàm Rồng)
Y sĩ Hoàng Văn Phong, cán bộ truyền thông, Trung tâm Y tế Năm Căn cho biết: Việc cung cấp đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng cho cơ thể trẻ em phụ thuộc vào kiến thức của cha mẹ, những người làm công tác nuôi dạy trẻ về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em, nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ ăn bổ sung hợp lý. Cần cung cấp thức ăn cho trẻ em bao gồm số lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu cơ bản về dinh dưỡng. Theo đánh giá của chuyên gia y tế, hiện nay, mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam là các bệnh không lây nhiễm, với 75% tỷ lệ tử vong là do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, đứng đầu là bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư…
Bên cạnh đó, nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ em nếu tính theo cân nặng cao hơn người lớn. Vì vậy, muốn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ cần phải cho trẻ ăn các thức ăn giàu chất dinh dưỡng và cần chia ra nhiều bữa, vì dạ dày của trẻ còn nhỏ, khả năng tiêu hóa còn hạn chế không thể hấp thu nhiều thức ăn trong cùng một lúc. Do vậy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cần phải được quan tâm một cách đầy đủ và đúng cách. Nhu cầu dinh dưỡng và chế độ ăn cho trẻ phải phù hợp so với nhu cầu phát triển của từng độ tuổi. Cách chế biến phải hợp khẩu vị và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
Đẩy mạnh truyền thông chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. (Ảnh chụp tại xã Năm Căn)
Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm chính: nhóm bột đường (chủ yếu từ gạo và các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
Theo đó, dinh dưỡng năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm từ 60 - 65% (tổng năng lượng khẩu phần), phần còn lại là các chất béo chiếm 20 - 25% và chất đạm chiếm 10-15%.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên ăn ít nhất 400gam rau, quả mỗi ngày, có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Trẻ em cũng cần được tập cho ăn rau với cách chế biến phù hợp.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều thịt có màu đỏ vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư, gout… mặc dù các loại thịt có màu đỏ có nhiều sắt giúp phòng, chống thiếu máu thiếu sắt.
“Không nên ăn quá nhiều các món xào, rán, nướng mà nên tăng cường ăn các món luộc, hấp để giảm mất mát các chất dinh dưỡng và không làm biến đổi thực phẩm thành các chất có thể gây tác hại cho sức khỏe”, Y sĩ Phong khuyến cáo.
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng để giúp trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đúng cách không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn tạo nền tảng cho một tương lai khỏe mạnh. Đặc biệt, xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học ngay từ những năm đầu đời sẽ giúp trẻ thiết lập một thói quen ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất.
Mai Thanh
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/dinh-duong-hop-ly-phong-cac-benh-man-tinh-a114484.html