Dinh dưỡng nâng cao hệ miễn dịch cho người bệnh lao ruột

Dinh dưỡng nâng cao hệ miễn dịch cho người bệnh lao ruột
13 giờ trướcBài gốc
Nội dung
1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh lao ruột
2. Người bệnh lao ruột cần chú ý dưỡng chất nào để phục hồi sức khỏe?
3. Lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh lao ruột
1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh lao ruột
Lao ruột là một bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm sự khó chịu và ngăn ngừa biến chứng cho người bệnh.
Các biến chứng nguy hiểm của lao ruột thường gặp là tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, ảnh hưởng đến hấp thu dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch.
Lao ruột gây ra các triệu chứng như chán ăn, tiêu chảy kéo dài và hấp thụ kém dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng. Khi cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết sẽ trở nên suy yếu và giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng khác.
Do đó trong điều trị bệnh lao ruột, dinh dưỡng có vai trò quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, bù đắp sự thiếu hụt dinh dưỡng, giảm tác dụng phụ của thuốc, hỗ trợ phục hồi chức năng ruột và ngăn ngừa tái phát bệnh.
Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng giúp đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để chống lại bệnh tật. Thuốc điều trị lao có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn và rối loạn tiêu hóa. Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp có thể giúp giảm nhẹ các tác dụng phụ này và cải thiện khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân.
Người bệnh lao ruột cần có chế độ ăn đủ chất và bổ sung đạm.
Theo ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm, BV Phổi Hà Nội, nếu lao ruột được phát hiện, điều trị sớm, người bệnh chỉ cần điều trị thuốc lao theo phác đồ, tuân thủ điều trị bằng việc uống đúng thuốc, đủ thời gian và đều đặn mỗi ngày thì bệnh sẽ khỏi.
Ngoài ra bệnh nhân lao ruột cần chú ý chế độ ăn uống, có chế độ ăn đủ chất, nhất là đạm, vitamin. Nên ăn thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu và ăn nhiều rau giúp nhuận tràng; không nên ăn thức ăn đặc, thực phẩm dễ gây táo bón, thực phẩm có tính nóng như hạt điều, cà rốt, không nên ăn nhiều thức ăn dạng bột...
2. Người bệnh lao ruột cần chú ý dưỡng chất nào để phục hồi sức khỏe?
Ngoài chế độ ăn đủ chất, người bệnh cần chú ý tăng cường chất đạm (protein), vitamin, khoáng chất và chất xơ để giảm nguy cơ biến chứng và hồi phục sức khỏe.
Chất đạm (protein)
Protein là thành phần thiết yếu của hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và tăng cường sức đề kháng.
Bệnh lao ruột dễ gây suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể và protein có vai trò cung cấp năng lượng, duy trì sức khỏe cơ bắp cho người bệnh. Bệnh lao ruột gây tổn thương niêm mạc ruột và protein giúp tái tạo và phục hồi các mô bị tổn thương này.
Người bệnh lao ruột cần bổ sung protein từ nhiều nguồn khác nhau, chọn các nguồn protein nạc, ít chất béo để dễ tiêu hóa, bao gồm các loại thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu và hạt, sữa và sản phẩm từ sữa…
Chất xơ
Bệnh lao ruột thường gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón. Chất xơ giúp điều chỉnh hoạt động của ruột, làm mềm phân và tăng khối lượng phân từ đó giảm táo bón.
Tăng cường chất xơ cũng giúp duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chức năng tiêu hóa cho người bệnh. Người bệnh nên bổ sung chất xơ tự nhiên từ các loại rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt…
Vitamin và khoáng chất
Vitamin A, C và E: Tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Các loại vitamin này có nhiều trong rau xanh, trái cây và gan.
Vitamin nhóm B: Hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng và chức năng thần kinh. Các loại vitamin này có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, thịt và các loại đậu.
Vitamin K: Do đường tiêu hóa của người bệnh bị tổn thương dẫn tới khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém, gây ra thiếu hụt vitamin K. Kết quả của sự thiếu hụt này có thể làm trở ngại cho quá trình đông máu. Vitamin K có nhiều trong rau có lá màu xanh đậm.
Kẽm: Giúp tăng cường hệ miễn dịch và phục hồi vết thương. Kẽm có nhiều trong hải sản, thịt nạc và các loại đậu.
Sắt: Ngăn ngừa thiếu máu, một biến chứng thường gặp ở người bệnh lao ruột. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, gan và rau xanh đậm.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh.
3. Lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh lao ruột
Thực phẩm nên ăn
Thực phẩm giàu protein dễ hấp thụ: thịt nạc, cá, trứng, đậu, đỗ, sữa chua...
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: rau xanh và trái cây tươi
Thực phẩm giàu kẽm: hàu, sò, thịt bò, thịt lợn nạc…
Thực phẩm giàu chất sắt: gan, trứng, thịt bò, rau xanh đậm…
Thực phẩm giàu vitamin nhóm B: ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà, gan…
Thực phẩm nên tránh
Thực phẩm gây táo bón: thức ăn đặc, khô, nhiều chất xơ, gân...
Thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
Sữa bò tươi chưa qua xử lý.
Cách ăn
Ưu tiên ăn các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ như: cháo, súp, món hầm, canh...
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa.
Chia thành 5-6 bữa ăn nhỏ trong ngày để dễ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Uống đủ nước để bù đắp lượng nước mất do tiêu chảy và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Lưu ý: Người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe và các triệu chứng tiêu hóa để điều chỉnh chế độ ăn uống. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng bản thân.
Thu Phương
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/dinh-duong-nang-cao-he-mien-dich-cho-nguoi-benh-lao-ruot-169250402160733604.htm