Một học sinh đặt câu hỏi về chọn ngành, chọn nghề phù hợp tại một chương trình tư vấn tuyển sinh. Ảnh: NHƯ THANH
Học ngành “hot” hay theo năng lực
Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn 2 tháng nữa các sĩ tử sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Nhiều trường đại học đã công bố phương án, chỉ tiêu tuyển sinh với nhiều ngành mới mở và ngành "hot" được thí sinh quan tâm như: Trí tuệ nhân tạo; Kỹ thuật điện tử viễn thông; Bán dẫn, vi mạch; Kỹ thuật ô tô, cơ khí; Truyền thông - Marketing… Bên cạnh việc tập trung học tập, củng cố kiến thức, nhiều học sinh đang khá phân vân và lo lắng không biết nên lựa chọn ngành học theo sở thích hay xu hướng cũng như làm sao để lựa chọn được ngành học phù hợp.
Đây cũng là tâm lý của em Lê Đỗ Kiều Thanh, học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Tuy An) khi em vẫn chưa xác định được ngành học sẽ đăng ký trong kỳ tuyển sinh đại học sắp tới. Thanh cho biết: Thị trường việc làm đang thay đổi rất nhanh, nhiều ngành mới nổi lên. Em khá thích học sư phạm Văn nhưng lại lo ngại sau này không có cơ hội việc làm. Tuy nhiên, em cũng không biết nên chọn ngành nào để thực sự có tương lai.
Còn với Nguyễn Thị Tường Vy, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), em đang phân vân giữa việc chọn ngành học theo đam mê hay chọn ngành có triển vọng việc làm tốt. “Gia đình muốn em chọn khối ngành kinh tế, nhưng em lại muốn theo đuổi sở thích của mình là truyền thông. Em tự thấy khả năng của mình không theo được với nguyện vọng của gia đình”, Vy chia sẻ.
Chọn ngành, chọn trường để đăng ký xét tuyển đại học cũng là nỗi lo của nhiều phụ huynh. Chị Đặng Thị Thu ở TX Đông Hòa, một phụ huynh đang có con học lớp 12, tâm sự: Tôi muốn con tôi chọn một ngành học ổn định, có tiềm năng phát triển như công nghệ thông tin, kỹ thuật. Nhưng con tôi lại thích nghệ thuật và truyền thông, tôi không biết liệu có phù hợp với tương lai hay không. Hai mẹ con vẫn đang tranh luận khá căng thẳng vì điều này.
Những định hướng cần thiết
Sự thay đổi của công nghệ tác động mạnh mẽ đến thị trường việc làm. Việc lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp chính là bước đệm quan trọng giúp người trẻ phát triển trong tương lai. Các chuyên gia giáo dục chia sẻ, không nên để các thông tin khách quan tác động quá nhiều.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, không ít sinh viên khi bước vào giảng đường đại học mới thấy sự khác biệt giữa cảm nhận của mình về ngành học khi đăng ký xét tuyển so với thực tế. Lúc này, việc lựa chọn tiếp tục hay dừng lại sẽ vô cùng khó khăn vì không chỉ chậm một nhịp so với bạn bè cùng lứa mà còn phải cân nhắc về tài chính, thời gian và hướng đi tiếp theo liệu đã thực sự là lựa chọn đúng đắn hay vẫn chưa phải là điểm dừng chân phù hợp. Thí sinh cần chọn ngành mình thực sự yêu thích và phù hợp thay vì chọn theo bạn bè, theo số đông hay vì cha mẹ. Muốn vậy, các em cần tìm hiểu kỹ về các ngành nghề, có thể làm các bài trắc nghiệm nghề nghiệp.
Dù chọn ngành nghề nào thì kiến thức, thái độ và kỹ năng tốt vẫn là chìa khóa để thành công trong công việc. Khi có đam mê và trình độ, các em sẽ có nhiều cơ hội việc làm, thậm chí có khả năng "nhảy việc" ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực liên quan.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Đưa ra lời khuyên cho học sinh, phụ huynh khi chọn ngành đăng ký xét tuyển đại học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng: Chúng ta không thể phủ nhận giá trị của việc nhận diện sở thích cá nhân. Tuy nhiên, các em thí sinh cũng đừng nên thấy ngành nào hiện nay đang “hot” mà thi nhau vào. Ngành học "hot", nhưng bản thân mình có "hot" hay không, có học tốt hay không mới là điều quan trọng. Trước khi chọn ngành nghề, cần tự trả lời những câu hỏi: có thích ngành học đó không, bản thân có năng lực phù hợp với ngành đó không, học phí ngành đó có phù hợp với điều kiện gia đình, điểm chuẩn có phù hợp với mình… Thí sinh nên tìm hiểu thật kỹ để có thể chọn đúng ngay từ đầu.
NHƯ THANH