Định hình phương án đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Định hình phương án đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ
5 giờ trướcBài gốc
Tốc độ 160 km/h cho tàu khách
Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, nhưng đến thời điểm này, đã có thể có cái nhìn bước đầu về tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Công trình này được kỳ vọng sẽ hình thành một phương thức vận tải mới kết nối Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ do Liên danh tư vấn TEDI SOUTH - TRICC - TEDI lập, Dự án có điểm đầu tại ga An Bình thuộc phường Dĩ An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cần Thơ thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Tuyến sẽ đi qua 6 tỉnh/thành phố, gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.
Liên danh TEDI SOUTH - TRICC - TEDI đề xuất, giai đoạn hoàn thiện, tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa. Trong đó, giai đoạn I xây dựng đường đơn từ An Bình - Cần Thơ với tổng chiều dài tuyến 175,2 km, gồm nền đất (chiều dài 76,6 km, chiếm tỷ lệ 43,72%) và công trình cầu (cầu cạn, vượt sông: chiều dài 98,6 km, chiếm tỷ lệ 56,28%).
Tuyến có vận tốc thiết kế đối với tàu hàng là 120 km/h; tàu khách là 160 km/h; sử dụng công nghệ động lực phân tán EMU cho đoàn tàu khách; công nghệ động lực tập trung cho tàu hàng. Tuyến có năng lực thông qua dự kiến đến năm 2055 khoảng 26,148 triệu tấn hàng hóa/năm và 18,324 triệu hành khách/năm.
Trên tuyến bố trí 12 ga và 4 trạm khách tương lai, 3 depot (An Bình, Tân Kiên, Cần Thơ), 4 trạm bảo dưỡng, khám xe (Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy, Bình Minh), 3 trạm bảo dưỡng; hạ tầng; 3 vị trí cầu vượt sông lớn (sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) và có 2 vị trí vượt sông đặc biệt lớn (sông Tiền và sông Hậu).
Dự án thực hiện giải phóng mặt bằng phù hợp với Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho đường đôi khổ 1.435 mm.
Ước tính, nhu cầu sử dụng đất của toàn Dự án khoảng 801,5 ha, trong đó đất ở là 193,88 ha; đất nông nghiệp khoảng 479,1 ha (trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 430,19 ha, đất nông nghiệp khác 48,92 ha); đất khác (đất công trình giao thông, đất công cộng…) khoảng 128,52 ha.
Thực hiện phân kỳ đầu tư
Theo TEDI SOUTH - TRICC - TEDI, với quy mô đầu tư như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I - xây dựng đường đơn và giải phóng mặt bằng tổng thể là 173.643 tỷ đồng, tương đương 7,16 tỷ USD, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy hoạch khoảng 45.675 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự phòng khối lượng).
Với sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn II - đầu tư nâng cấp toàn tuyến lên đường đôi là khoảng 64.973 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,7 tỷ USD (chưa bao gồm phí tài chính cho dự án), nên sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án cả 2 giai đoạn khoảng 238.616 tỷ đồng (khoảng 9,84 tỷ USD).
Cũng giống tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, để bảo đảm đồng bộ giữa hạ tầng và phương tiện, đơn vị tư vấn lập dự án đề xuất đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo hình thức đầu tư công. Theo đó, bên cạnh hạ tầng, Dự án sẽ đầu tư ngay phương tiện để khai thác trong giai đoạn đầu, tránh rủi ro không huy động được doanh nghiệp đầu tư phương tiện, kinh doanh, khai thác.
Khi Dự án được đưa vào khai thác, sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phương tiện, kinh doanh vận tải đối với các khu đoạn có hiệu quả; liên danh với doanh nghiệp được giao quản lý hạ tầng để đầu tư các khu dịch vụ thương mại.
Được biết, đề xuất mới nhất của tư vấn lập dự án đã có sự thay đổi so với giai đoạn báo cáo đầu kỳ hồi đầu năm 2024. Tại thời điểm đó, tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước (hình thức BTL).
Về mô hình quản lý khai thác, nhà đầu tư thành lập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt (của Nhà nước).
“Do Dự án vẫn đang trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nên mọi phương án đầu tư vẫn sẽ còn được các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết.
Anh Minh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/dinh-hinh-phuong-an-dau-tu-tuyen-duong-sat-tphcm---can-tho-d231921.html