Đình Hồng Thái

Đình Hồng Thái
8 giờ trướcBài gốc
Những truyền thuyết
Chuyện kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng sinh sống tại vùng đất Kim Trận không có con, một hôm đi làm nương tại chân núi Gò Chùa gần Vực Kiêng sông Phó Đáy (cách đình Hồng Thái ngày nay khoảng 300 m về phía Đông - Bắc) đã nhặt được 2 quả trứng. Hai vợ chồng nghĩ là trứng vịt trời nên mang về nhà cho gà ấp, sau 2 quả trứng nở ra 2 con có thân hình như con rắn. Sau vài năm 2 con rắn lớn lên có thân hình khác lạ, người dân địa phương gọi là rắn của thần. Rắn ăn nhiều, hai vợ chồng người nông dân không đủ sức để nuôi, nên đưa rắn ra Vực Kiêng (nơi mà ngày xưa họ đã nhặt được trứng) thả rắn xuống sông Phó Đáy.
Thời gian dần trôi đi, một buổi chiều người chồng đi làm nương, trước khi về ông xuống bến Vực Kiêng rửa mặt, chẳng may đã bị con rắn quấn xuống vực mang đi. Khi biết đã bắt nhầm người đã nuôi dưỡng mình, để tạ ơn, 2 con rắn thần đã khoét đất từ bến Vực Kiêng vào trung tâm làng Cả và hóa phép thành một đôi giếng nước. Sau này, người dân gọi 2 giếng nước là giếng Ngọc (hay giếng nước Ông và giếng Bà) và trở thành giếng nước chung của làng, đồng thời gọi 2 con rắn với cái tên là Thuồng Luồng.
Cùng thời điểm đó, người dân trong làng ra Vực Kiêng thấy 1 chiếc sọ người, dân làng đã làm lễ đưa cái sọ xuống thác nước để trôi đi, nhưng chiếc sọ cứ trôi đi theo dòng nước đến khu vực Cầu Chương - Bến Lở (khu vực nằm giữa núi đá Thia và Bòng) lại quay ngược lại vị trí cũ. Dân làng cho đó là hộp sọ của người chồng đã bị Thuồng Luồng cuốn và lập miếu để thờ ở khu Vực Kiêng.
Sau này do bờ sông sạt lở, nhân dân đã di chuyển ngôi miếu nhiều lần vào trong. Dần dần, ngôi miếu trở thành ngôi đình Hồng Thái như ngày nay. Minh chứng cho điều này, hiện nay đình Hồng Thái có thờ vị thần Đương cảnh thành hoàng đà cọng quảng đức đại vương là vị thần ở Vực Kiêng, lư hương được đặt tại vị trí giữa trên thượng cung. (Theo sách Văn hóa truyền thống các dân tộc Tày, Dao, sán Dìu ở Tuyên Quang. Nxb Văn hóa dân tộc, 2003, tr. 45, 46).
Hiện đình Hồng Thái còn đôi câu đối có nội dung liên quan: “Để giang tả bão linh nguyên hội/Ngọc tỉnh hữu triều thụy khí chung” (dịch là: Sông Đáy vòng bên trái nguồn linh thiêng tụ lại và Giếng ngọc chầu bên phải khí đẹp chung đúc về).
Đình Hồng Thái được dựng lên để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Tày miền núi. Đình thờ thần Thành hoàng là các thần sông, thần núi quy ngự tại khu vực đất Kim Trận và thờ công chúa Ngọc Hoa.
Truyền thuyết về công chúa Ngọc Hoa kể rằng, ngày xưa, phong cảnh vùng đất Kim Trận rất đẹp, có con ngòi nhỏ nước trong xanh quanh năm chảy từ Bắc xuống Nam, ngòi chảy qua một vùng đất giao nhau giữa núi Khúc Kiu và đồi Chùa làng Cả, tiếp tục chảy qua các xứ đồng sau đó đổ ra sông Phó Đáy, dòng chảy của con ngòi uốn lượn tựa con rồng. Biết đây là đất thiêng, với thế long mạch đắc long bàn hổ cứ, công chúa Ngọc Hoa và phò mã Quảng Khứ đại vương trong một lần đi xa giá có ý định xây dựng tại đây một Xứ Quận công để dụng võ lập cơ đồ. Nhưng sau khi bà cùng chồng về chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết và quay lại vùng đất Kim Trận, đã thấy ai đó đã cho đào ngang qua con ngòi đắp đất tạo thành bờ đập ngăn nước, bờ đất này ngăn cách giữa hai xứ: Đồng Thâm và Đồng Bả, thuộc thôn Cả và thôn Bòng, xã Tân Trào ngày nay.
Biết là vùng đất thiêng này đã bị đứt long mạch; ý đồ xây dựng một Xứ Quận công ở đây không thành; hai ông bà cùng cưỡi con ngựa hồng lên đỉnh cao nhất ở dãy núi Bòng, lấy giấy đỏ che mắt ngựa rồi quất roi cho ngựa nhảy xuống chân núi. Người chồng rơi về tận Xứ Bạch Hạc, Phú Thọ, còn người vợ rơi ngay xuống chân núi phía Đông, nơi có cây Thị cổ thụ, mặt quay nhìn về phía Xứ Bạch Hạc, Phú Thọ.
Từ những năm sau đó ở làng Cả, Ảy (Vĩnh Tân), Thia, Bòng; gia súc, vật nuôi của đồng bào bị chết nhiều. Người dân cử ông Hương trưởng đi xem bói. Thầy bói cho hay, trong những lần ông chồng ở Xứ Bạch Hạc về thăm đất xưa và thăm bà Chúa Hoa, các thần linh ở đây lại bắt đi những con gia súc, gia cầm của nhân dân để biếu ông, bà.
Dân làng lập một miếu thờ tại chân núi Bòng, trên mỏm đồi thấp (nay là vị trí gần giếng cổ thôn Bòng) và để dành một thửa ruộng làm hương hỏa gọi là ruộng bà Hoa ở đồng Mộ (nay là cánh đồng dưới chân núi Bòng) để lấy thóc lúa phục vụ cho việc thờ cúng. Nên Đình Hồng Thái thờ công chúa Ngọc Hoa là vì vậy.
Lễ hội Đình Hồng Thái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đình Hồng Thái có cấu trúc tương đối giống đình làng của người Kinh nhưng quy mô nhỏ hơn, mái lợp lá cọ. Nền đình không lát gạch nhưng lại có sàn gỗ cao gần khắp 3 gian mang đặc trưng kiến trúc nhà sàn. Các cột xà đòn tay đều làm bằng gỗ tốt đơn giản ít chạm trổ.
Tại đình Hồng Thái, hằng năm tổ chức Lễ hội cầu may vào ngày 3 tháng Giêng, bày tỏ tấm lòng với các vị Đại vương, chư vị Đại thần, cầu cho năm mới nhiều may mắn, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ… Lễ hội đình Hồng Thái gồm các nghi thức tế lễ, rước kiệu, dâng hương, tổ chức các trò vui, trò chơi dân gian. Lễ rước kiệu bắt đầu từ đình đến khu vực Cầu Chương - Bến Lở để rước Ngọc Hoa công chúa về đình giữa cờ, quạt, lọng che, tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Nhiều trò chơi dân gian như Thầy đồ dạy học, cày bừa, bắt tôm, bắt cá, múa rối, múa tràng… được tổ chức trong dịp lễ, thắt chặt sợi dây tình cảm làng, xã.
Năm 2023, Lễ hội đình Hồng Thái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di tích lịch sử cách mạng
Trước năm 1945, Đình Hồng Thái có tên gọi là đình Kim Trận, thuộc tổng Thanh La. Tháng 3 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khởi nghĩa Thanh La thắng lợi, Thanh La là nơi giành được chính quyền cách mạng sớm nhất cả nước. Nhân dân Kim Trận họp bàn và quyết định đổi tên xã, lấy tên liệt sỹ Phạm Hồng Thái đặt tên cho xã mình (xã Hồng Thái, thuộc châu Tự Do) và đình Kim Trận cũng mang tên Đình Hồng Thái.
Cách đây đúng 80 năm, ngày 21/5/1945, Đình Hồng Thái là nơi Bác Hồ dừng chân đầu tiên khi từ Pác Bó đến Tân Trào, chuẩn bị các điều kiện và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
Trong hồi ký “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, đồng chí Song Hào viết: “Đi đầu đoàn người là 1 đồng chí đã có tuổi mặc áo chàm, dáng người mảnh dẻ, khuôn mặt xương xương, nước da rám nắng, chòm râu đen nhánh lưa thưa. Đồng chí bước thoăn thoắt, thoát chiếc mũ dạ đen đội đầu, mảnh khăn mặt trắng vắt vai, tay cầm 1 chiếc gậy nhỏ. Mới thoạt nom, chúng tôi có thể biết ngay đó là Người - người mà chúng tôi đã từ lâu mong đợi.
Bác bước vào đình Hồng Thái, nhìn bao quanh khung cảnh và các đồng chí xung quanh, vẻ rất hài lòng. Tất cả chúng tôi đều xúm xít lại. Bác bắt đầu câu chuyện bằng những lời thăm hỏi ân cần về sức khỏe chung của chúng tôi, rồi hỏi ủy ban châu về tình hình phong trào của địa phương”.
Sau khi dừng chân nghỉ trưa ở đình Hồng Thái, khoảng 16 giờ cùng ngày, tại bến Thia, Bác cùng đoàn cán bộ đã vượt sông Phó Đáy bằng mảng để vào làng Kim Long (Tân Lập) ở và làm việc, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng 8 năm 1945.
Đình Hồng Thái cũng là nơi đón tiếp các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội Tân Trào ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Hồng Thái là trụ sở ban bảo vệ an toàn khu. Người muốn vào các cơ quan trung ương công tác phải qua đây xuất trình giấy tờ có chữ ký của đồng chí phụ trách thì mới được vào.
Năm 1975, Di tích đình Hồng Thái đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Đình Hồng Thái đã trở thành quen thuộc với nhiều người qua những câu trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:
“Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa
Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa
Mình về mình có nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”.
Với những giá trị lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa, đình Hồng Thái là điểm đến ý nghĩa, không thể bỏ qua khi du khách đến Tuyên Quang, Tân Trào.
Ngọc Mai
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/dinh-hong-thai-212361.html