Với số lượng gia đình chọn hình thức này ngày càng tăng, xứ sở sương mù đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra khung pháp lý về lĩnh vực này để cân bằng giữa quyền của phụ huynh và trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền lợi học tập của trẻ em.
Giáo dục tại nhà - xu hướng ngày càng phổ biến
Đại dịch Covid-19 đã đóng vai trò là chất xúc tác khiến nhiều gia đình xem xét lại hình thức học tập truyền thống, với số lượng các gia đình cho con học tại nhà tăng mạnh. Tính đến năm 2023, hơn 120.000 trẻ em tại Anh đang được giáo dục tại nhà, phản ánh nhu cầu cá nhân hóa giáo dục và mong muốn môi trường học tập linh hoạt hơn ngày càng phổ biến, tránh được một số nhược điểm của mô hình giáo dục truyền thống bị áp lực về điểm số... Hình thức này đặc biệt hữu ích cho trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt.
Trẻ em được giáo dục tại nhà ở Anh. Nguồn: insights.gostudent.org
Tuy nhiên, không phải tất cả gia đình đều có điều kiện và khả năng đáp ứng chất lượng giáo dục tương đương với trường học. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về các biện pháp quản lý và giám sát. Thực tế, giáo dục tại nhà tuy là lựa chọn cá nhân của nhiều phụ huynh, song để bảo đảm tất cả trẻ em đều nhận được nền giáo dục an toàn và hiệu quả là mối quan tâm chính của nhà nước. Do đó, dự luật mới được thiết kế để giải quyết những thiếu hụt trên mà không làm suy yếu quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con cái theo cách họ thấy phù hợp.
Tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn
Một trong những cải cách quan trọng là đưa ra "sổ đăng ký" và yêu cầu các phụ huynh phải đăng ký nếu con em không theo học tại trường chính quy. Các sổ đăng ký này sẽ do chính quyền địa phương quản lý và yêu cầu tất cả trẻ em học tại nhà phải được liệt kê. Mục đích là để bảo đảm tất cả các em đều nhận được “nền giáo dục phù hợp” trong bất kể hoàn cảnh nào. Bên cạnh đó, nó giúp phát hiện sớm và can thiệp trong những trường hợp giáo dục tại nhà có thể không phù hợp hoặc trẻ em có nguy cơ bị tổn hại.
Các biện pháp bảo vệ là nền tảng của Dự luật, đặc biệt là sau một số vụ trẻ em tham gia giáo dục tại nhà bị bạo hành hoặc lạm dụng. Trên thực tế, dự luật đã được thúc đẩy sau trường hợp đau lòng của cô bé Sara Sharif, 10 tuổi, ở Surrey, Anh. Cô bé được phát hiện đã chết trên giường tầng tại nhà của gia đình ở Surrey vào ngày 10.8.2023, bốn tháng sau khi được chuyển sang giáo dục tại nhà. Tuần trước, cha ruột của cô bé, ông Urfan Sharif (42 tuổi), và mẹ kế, bà Beinash Batool (30 tuổi), đã bị buộc tội giết người, bạo hành và bị kết án chung thân. Bi kịch này đã thúc đẩy dự luật nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trong mọi môi trường giáo dục.
Bên cạnh đó để bảo đảm chất lượng, các bậc cha mẹ muốn giáo dục con tại nhà tới đây sẽ phải nộp kế hoạch giáo dục chi tiết, bao gồm phương pháp giảng dạy, tài liệu học tập và cách đánh giá kết quả học tập. Chính quyền địa phương sẽ kiểm tra định kỳ để bảo đảm chất lượng giáo dục.
Củng cố vai trò của cha mẹ trong giáo dục tại nhà
Một điều khoản quan trọng khác của dự luật là hạn chế giáo dục tại nhà đối với trẻ em đang thuộc diện điều tra hoặc nằm trong kế hoạch bảo vệ trẻ em. Điều này có nghĩa là cha mẹ sẽ không còn quyền tự động giáo dục tại nhà cho trẻ em đang bị giám sát như vậy nữa. Biện pháp này nhằm ngăn trẻ em bị đưa ra khỏi trường học và rơi vào môi trường không bảo đảm an toàn hoặc thiếu sự bảo vệ cần thiết.
Các cơ quan chức năng địa phương sẽ có quyền can thiệp nếu giáo dục tại nhà thiếu chất lượng hoặc môi trường sống không phù hợp. Điều khoản này bảo đảm trẻ em được giáo dục tại nhà vẫn nhận được nền giáo dục đạt chuẩn và an toàn theo các quy định của pháp luật.
Mặc dù dự luật đưa ra nhiều quy định hơn, nhưng vẫn tiếp tục công nhận quyền lựa chọn của cha mẹ trong việc quyết định hình thức giáo dục tốt nhất cho con mình, đặc biệt là với những trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt hoặc lý do hợp lý. Tuy nhiên, họ phải chứng minh đáp ứng được nhu cầu giáo dục của con em mình.
Dự luật mới cũng sẽ mở đường cho việc đưa ra số định danh duy nhất cho trẻ em được áp dụng trên khắp các dịch vụ, tương tự số bảo hiểm quốc gia của người lớn, để giúp kết nối thông tin giữa các cơ quan có liên quan, đồng thời tránh tình trạng trẻ bị bỏ sót trong hệ thống giám sát và quản lý.
Linh Anh (Tổng hợp)