Tăng cường công tác bảo vệ môi trường
Tỉnh Thái Nguyên cũng đang xây dựng một khu công nghiệp (KCN) sinh thái, ngoài định nghĩa KCN sinh thái theo quy định thì sẽ xây dựng 1 KCN đúng nghĩa với mục tiêu bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, Sở Công Thương và các sở ngành có liên quan thẩm định các dự án đầu tư vào KCN yêu cầu chủ dự án bổ sung các nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, sàng lọc các dự án có nguy cơ ô nhiễm. Tính riêng năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu tham gia ý kiến chủ trương đầu tư của trên 121 dự án, giúp các chủ đầu tư nắm bắt đầy đủ hơn các yêu cầu quy định bảo vệ môi trường trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng như vận hành dự án.
Các dự án đầu tư vào KCN yêu cầu chủ dự án bổ sung các nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, sàng lọc các dự án có nguy cơ ô nhiễm.
Thực hiện quy định của Luật BVMT năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư trong các KCN, nhận diện, phòng ngừa và có kế hoạch khắc phục các tác động tiêu cực đến môi trường ngay trong công đoạn chuẩn bị triển khai. Các báo cáo đánh giá tác động môi trường được thẩm định bằng hình thức hội đồng với thành phần là các chuyên gia nhiều kinh nghiệm thuộc lĩnh vực dự án, chuyên gia về môi trường, riêng trong năm 2023 đã có 163 lượt hồ sơ đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường được xem xét giải quyết, thẩm định.
Việc giám sát sau thẩm định được Sở Tài nguyên và Môi trường chú trọng thực hiện, thường xuyên rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh trong các KCCN.
Xử lý nghiêm vi phạm để “xanh hóa” khu công nghiệp
Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tham gia đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với hơn 20 đơn vị trong các KCN, trong đó có gần 15 đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 3.300 triệu đồng.
Thông qua các đợt kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời đôn đốc hướng dẫn thực hiện đầy đủ các công trình biện pháp bảo vệ môi trường, qua đó các đơn vị đã quan tâm hơn trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh, xây dựng trung tâm tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, đầu tư các trạm quan trắc môi trường xung quanh; đôn đốc hướng dẫn các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động khẩn trương đầu tư lắp đặt quan trắc tự động, liên tục kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi theo quy định Luật BVMT 2020.
Cần giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm về môi trường.
Đến nay, song song với việc thực hiện quan trắc các thành phần môi trường định kỳ, thủ công tại 185 điểm trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường duy trì vận hành 09 trạm quan trắc tự động, liên tục môi trường xung quanh các khu công nghiệp và sông lớn trong tỉnh; duy trì theo dõi tiếp nhận số liệu của 53 trạm quan trắc các nguồn thải trong đó có cả các cơ sở trong khu, CCN. Về cơ bản, số liệu các trạm quan trắc phản ánh khách quan hiện trạng môi trường
Hiện nay, để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý về BVMT, UBND tỉnh đã ban hành các quy chế quản lý đối với KCN và CCN trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Ban quản lý các KCN TN và UBND các huyện, thành phố tích cực đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu, CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải khẩn trương xây dựng hoàn thành theo quy định.
Không cho phép đầu tư vào các khu, CCN chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hạ tầng BVMT, đồng thời kiểm tra các doanh nghiệp đã đầu tư, hoạt động thực hiện việc tự xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Lựa chọn công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường
Triển khai các chỉ đạo của tỉnh Thái Nguyên, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã triển khai các nội dung liên quan đến thu hút các nhà đầu tư thân thiện với môi trường, tăng cường các hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các Nghị Quyết về trồng cây xanh.
Theo số liệu của Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên trong năm 2023 đã triển khai trồng mới được hơn 6000 cây xanh trên địa bàn các KCN, nhằm định hướng xanh hóa các KCN. Tuy nhiên, hiện nay các quy định của pháp luật, các nội dung triển khai về tiêu chuẩn, về định mức, định lượng, ví dụ theo quy định của pháp luật về xây dựng chỉ quy định về định mức trồng cây xanh là tối thiểu 10% đối với các chủ đầu tư KCN và 20% đối với các doanh nghiệp thứ cấp, nhưng không quy định cụ thể về trồng các loại cây gì (thảm cỏ, hay cây xanh lấy gỗ, cây bóng mát…).
Đại diện Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cũng cho biết, Ban đã xây dựng Nghị Quyết về trồng cây xanh triển khai đến các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, các doanh nghiệp đều tích cực hưởng ứng tham gia, đáp ứng được mực tiêu Nghị Quyết đã đề ra trong 1 năm triển khai. Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, khi được Ban Quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã thực hiện ngay các thủ tục, hồ sơ về môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép theo quy định trước khi đi vào hoạt động). Trong quá trình triển khai thực hiện dự án các doanh nghiệp cơ bản thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định.
Các hoạt động về bảo vệ môi trường nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm, tháng hành động vì môi trường để lan tỏa đến các doanh nghiệp. (Ảnh BQL KCN Thái Nguyên)
Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cũng thường xuyên rà soát, đánh giá và kiểm soát các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ theo quy định. Các tổ chức đoàn thể, đoàn thanh niên của Ban Quản lý đều tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm, tháng hành động vì môi trường để lan tỏa đến các doanh nghiệp, có ý thức và trách nhiệm với môi trường, qua đó các doanh nghiệp đều tích cực hưởng ứng tham gia.
Bản thân trong các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực điện tử, đầu tư công nghệ kỹ thuật cao do đó yêu cầu môi trường hoạt động phải trong lành, sạch sẽ, việc phát sinh các vấn đề ô nhiễm môi trường trong KCN sẽ ảnh hưởng hưởng rất lớn tới quá trình hoạt động, sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN (ví dụ như Công ty TNHH Mani Hà Nội chuyên sản xuất dụng cụ y tế, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện tiện tử công nghệ cao yêu cầu phòng sạch…). Do đó các doanh nghiệp đều hiểu rất rõ vấn đề về bảo vệ môi trường, đều có trách nhiệm, nâng cao trong công tác bảo vệ môi trường riêng tại nhà máy của như cả KCN.
Tăng cường công tác kiểm soát, giám sát ô nhiễm môi trường tại các KCN, kịp thời phát hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định. Trong năm 2023, Ban Quản lý đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đề xuất xử lý vi phạm hành chính đối với 11 doanh nghiệp (với số tiền là 955 triệu đồng), ngoài ra Ban Quản lý phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xử lý vi phạm hành chính đối với 10 doanh nghiệp (với số tiền là 4.914.087.601 đồng) vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các DN trong công tác BVMT góp phần tích cực “xanh hóa” các Khu công nghiệp, hướng tới phát triển ổn định, bền vững.
Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ về môi trường theo quy định. Cụ thể: có 198 dự án thứ cấp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ĐTM, Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, cam kết bảo vệ môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường/đề án bảo vệ môi trường, có 08 dự án không thuộc diện cấp hồ sơ môi trường và các dự án còn lại đang hoàn thiện hồ sơ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2022.
Trao đối với phóng viên, phía Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cho biết: “Việc chuyển đổi xanh ở KCN đây là một trong các vấn đề lớn cần phải có những bài toán tổng thể, hiện nay đối với các KCN truyền thống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên các quy định của pháp luật về BVMT hiện nay đã chặt chẽ hơn đòi hỏi đáp ứng và nâng cao trong công tác BVMT. Việc xả thải của các KCN, các doanh nghiệp có lưu lượng lớn phải thực hiện lắp đặt, kết lối truyền dữ liệu quan trắc online về các cơ quan quản lý để được theo dõi, giám sát theo quy định.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đã thí điểm yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt công tơ điện độc lập để giám sát tiêu thụ điện năng của các công trình xử lý chất thải. Đồng thời định kỳ cơ quan chuyên môn cũng thực hiện việc giám sát môi trường theo mạng lưới quan trắc của toàn tỉnh tại các khu vực trên địa bàn để đánh giá, từ đó chủ động kiểm soát, nắm bắt tình hình, các tác động tới môi trường để kịp thời khắc phục, xử lý”.
Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất sạch thân thiện với môi trường. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số vào giải quyết các thủ tục hành chính, quản lý KCN, tạo sự thông thoáng về hành lang pháp lý...chìa khóa thu hút nhà đầu tư. Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã xây dựng hồ sơ quản lý điện tử phục vụ nội bộ khai thác quản lý thông tin đồng thời đang tích cực hoàn thiện triển khai xây dựng phần mềm quản lý thông tin chung các KCN trong đó có các nội dung liên quan đến công tác tổng hợp, theo dõi, giám sát đôn đốc các doanh nghiệp.
Nguyên Mạnh