Định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp giúp nêu cao hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam

Định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp giúp nêu cao hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam
7 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương tổ chức
Chiều 20/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Đa số các đại biểu đều đồng tình với dự thảo nghị quyết, đồng thời tập trung phân tích, thảo luận, góp ý nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là rất cần thiết nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Nhiều đại biểu cho rằng, một trong những trọng tâm của lần sửa đổi, bổ sung này là các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (điều 9, điều 10 của Hiến pháp năm 2013). Định hướng sửa đổi lần này cũng giúp tăng cường việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.
Ông Lương Anh Tế, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương tham gia góp ý tại hội nghị
Quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn cồng kềnh, nhiệm vụ còn có sự trùng lặp; một người tham gia nhiều tổ chức; nguyên tắc hiệp thương dân chủ - một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản, nền tảng thể hiện bản chất liên hiệp tự nguyện của MTTQ Việt Nam vẫn chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp.
Định hướng sửa đổi, bổ sung tại điều 9 nhằm khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đồng thời, có vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của mặt trận là một bước đi quan trọng. Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, giúp mặt trận và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn.
Tại điều 10, các ý kiến góp ý đều đồng thuận với nội dung sửa đổi, bổ sung về Công đoàn Việt Nam. Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam, bổ sung nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế - là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định vị trí không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động...
PV
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/dinh-huong-sua-doi-bo-sung-hien-phap-giup-neu-cao-hon-nua-vai-tro-cua-mttq-viet-nam-412028.html