Tốt nghiệp Khoa Giáo dục mầm non Trường Đại học Sài Gòn, thầy Duy đã công tác tại trường Mầm non 7 năm. Thầy Duy mang đến tình yêu thương cho con trẻ bằng sự nhiệt thành, tận tâm của một nhà giáo vượt qua định kiến để theo đuổi đam mê của mình.
PV: Thầy có thể chia sẻ về quyết định chọn ngành giáo dục mầm non của mình không? Điều gì đã khiến thầy quyết định theo đuổi một nghề mà phần lớn là nữ giới lựa chọn?
Thầy Duy hướng dẫn học trò nắn nót từng nét chữ
Thầy Thái Hồng Duy: Định kiến của xã hội là phần lớn ngành giáo dục mầm non hay công tác chăm sóc nuôi dạy trẻ là hình ảnh các cô. Khi tôi chọn vào ngành giáo dục mầm non, bản thân tôi cũng băn khoăn, lo lắng rất nhiều.
Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình, nên đã mạnh dạn đăng ký học. Khi vào lớp cũng ngạc nhiên lắm, vì chỉ có tôi là nam nhi thôi. Nhưng với sự quyết tâm theo đổi nghề và sự dẫn dắt của các thầy cô trên giảng đường Đại học, và sau này là Ban Giám hiệu Trường 19/5 Thành phố động viên, tôi đã gắn bó với nghề được 7 năm.
PV: 7 năm qua, thầy có gặp những khó khăn gì khi bắt đầu công việc này?
Thầy Thái Hồng Duy: Thuận lợi là sự yêu thương, giúp đỡ của đồng nghiệp. Khó khăn đến từ định kiến và suy nghĩ của phụ huynh. Lúc đầu, họ cũng không nghĩ là có một thầy giáo sẽ chăm sóc, giáo dục cho con mình, không biết có tốt được như các cô hay không.
Nhưng thời gian đã chứng minh. Những tháng đầu năm học, tôi đã cố gắng hỗ trợ, giúp các con học tập, tổ chức học tập và giúp đỡ cho các con vui chơi. Sau đó, phụ huynh cũng thấy các con hào hứng đến lớp và dần tin tưởng.
Dạy các con càng lúc càng yêu các con hơn. Trẻ con rất thật tình, có sao nói vậy.
Mình đến với các con bằng tình yêu thương thì sẽ nhận được tình yêu thương từ các con.
Chân dung thầy Thái Hồng Duy
PV: Lứa tuổi mầm non rất đặc biệt. Thách thức khi là một người thầy khác với một cô giáo thế nào?
Thầy Thái Hồng Duy: Mình cứ nghĩ mình đang đóng vai trò là người ba trong gia đình. Nếu ở gia đình có ba có mẹ, thì ở lớp có cô, có thầy. Tình cảm sẽ tròn đầy hơn. Các con được tiếp xúc với cô như ở nhà tiếp xúc với mẹ. Ở trường được tiếp xúc với thầy như ở nhà tiếp xúc với ba. Có sự ân cần, vỗ về, yêu thương.
Nhưng trong đó, có cả sự dạy bảo mạnh mẽ của người thầy để các con có thể thấy được đầy đủ tình cảm ở lớp cũng như ở nhà.
PV: Vậy cách thầy giải quyết tình huống cho các bé sẽ có gì đặc biệt?
Thầy Thái Hồng Duy: Mỗi bé mỗi khác, trong lớp có 25 bé, tính cách khác nhau. Đối với các cô, giải quyết tình huống khá nhẹ nhàng. Còn đối với một người thầy với tính của một nam nhi, đôi lúc cũng có chút nóng tính. Nhưng khi mình đã chọn nghề, đạo đức nhà giáo buộc mình phải giải quyết mọi tình huống bằng sự nhẫn nại và tình yêu thương.
Có những học trò khi lên lớp 1 rồi vẫn nói với ba mẹ gửi lời thăm thầy Duy. Hoặc lâu lâu có bài hát nào hay lại nhờ ba mẹ gửi cho thầy. Điều đó làm tôi rất xúc động.
PV: Những hoạt động tăng cường kỹ năng sống cho các bé đã được thầy dẫn dắt như thế nào?
Thầy Thái Hồng Duy: Lứa tuổi này rất thích khám phá. Nếu chỉ cung cấp các hoạt động trong khuôn khổ thì không tạo sự hứng thú. Nhưng với những tiết học tăng cường sự trải nghiệm, khám phá thì cho các con niềm vui.
Bản thân tôi cũng lưu ý việc chăm sóc, vệ sinh cho các bé. Tôi luôn khi thực hiện quản lý nhóm lớp luôn có sự trao đổi rằng thầy sẽ chăm sóc, vệ sinh cho các bé trai; còn các cô sẽ chăm sóc vệ sinh cho các bé gái.
Nếu người thầy không có tâm và không có đạo đức thì phụ huynh sẽ không an tâm và các bé cũng ngại khi tới lớp.
PV: Còn hát, múa, pha trò... cho các bé thì sao?
Thầy Thái Hồng Duy: Các cô giáo, thầy giáo mầm non phần lớn đều có khiếu hài hước. Trong tiết học có sự hoạt náo, vui vẻ thì các con sẽ hứng thú hơn. Bên cạnh đó, thầy còn phải có tài ca hát, múa...
Thầy giáo hay cô giáo cũng vậy, đã chọn giáo dục mầm non thì đều đa tài! (cười)
Hướng dẫn các bé các môn rèn luyện kỹ năng
PV: Theo thầy, việc có thêm nhiều hơn nữa các thầy giáo trong đội ngũ giáo viên mầm non sẽ mang lại những lợi ích gì cho trẻ?
Thầy Thái Hồng Duy: Nếu trong lớp học có thầy, các con cũng sẽ được đủ đầy tình cảm như ở nhà có ba, có mẹ.
Bản thân tôi mong muốn không chỉ một năm, vài năm mới có một nam nhi theo học giáo dục mầm non mà nhiều nam nhi hơn nữa để ngành giáo dục mầm non đa dạng sắc màu.
Chúng ta hãy bỏ đi định kiến, mầm non là chỉ vào trường để hát, múa và chỉ có ăn, ngủ rồi đi về giống như một nhà trẻ.
Trái lại, đến với trường mầm non, các con được khám phá rất nhiều điều, học được nhiều điều. Bản thân người thầy, người cô luôn là những người luôn tìm tòi, sáng tạo. Và các thầy cũng sẽ làm rất tốt công việc này.
PV: Xin cảm ơn thầy!
Hồng Lĩnh/VOV Giao thông