Định vị đô thị nghĩa tình (*): Không ai phải ở lại phía sau

Định vị đô thị nghĩa tình (*): Không ai phải ở lại phía sau
17 giờ trướcBài gốc
Chị N.T.O (37 tuổi) sinh ra trong một gia đình nhiều đời sống ở quận 4, TP HCM. Do căn nhà ông bà bán cho người khác, mẹ con chị phải ra ở trọ. Sau đó, người mẹ đưa chị vào cơ sở bảo trợ xã hội trong tình cảnh không giấy tờ tùy thân.
Hết gian nan, lận đận
Lớn lên, chị O. ra ngoài và lang bạt khắp nơi. Việc không có gì chứng minh nhân thân khiến chị gặp nhiều lận đận trong cuộc sống.
Muốn làm công nhân cũng phải có giấy tờ. Vì không đáp ứng được điều này nên chị O. chỉ xin được việc rửa chén ở quán ăn và làm thêm công việc giao hàng cho người quen.
Sau đó, thông qua cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn quận 3, chị O. được hướng dẫn làm hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD). "Có CCCD, tôi xin chạy xe ôm công nghệ. Con tôi cũng có giấy tờ, được đi học. Hy vọng đời nó không long đong như mẹ và bà ngoại" - chị mong mỏi.
Tương tự chị O., quãng thời gian dài ở trọ tại quận 4, anh T.V.N mang mặc cảm không có công việc ổn định. Nguyên nhân là năm 1990, khi sinh anh, người mẹ thiếu tiền nên đã tự ý rời bệnh viện. Anh không thể làm giấy chứng sinh, đồng nghĩa với việc không thể làm thủ tục khai sinh.
Khi N. 16 tuổi, cha mẹ anh lần lượt qua đời, bà con họ hàng không còn ai nên việc chứng minh nhân thân càng nan giải. Người đàn ông 35 tuổi cho hay mỗi lần đi đâu, làm gì, đứng trước cơ hội nào…, anh đều gặp vấn đề đầu tiên và cơ bản nhất là tính "chính danh" trong xã hội.
Khi cán bộ địa phương hướng dẫn rồi được Công an TP HCM lập hồ sơ CCCD, anh N. thở phào bởi trút được gánh nặng. Cuộc đời anh bắt đầu mở ra những trang mới tươi đẹp hơn.
Hàng ngàn người được "chính danh"
Công an TP HCM cho biết tháng 4-2023, Ban Chỉ đạo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) TP HCM ban hành Kế hoạch 1878. Kế hoạch có nội dung phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt.
Ngay sau đó, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Đề án 06, Công an TP HCM đã triển khai rà soát nhân khẩu, khai thác, thu thập thông tin dân cư và tiến hành biện pháp xác minh, xác định thông tin dân cư đặc biệt.
Qua quá trình triển khai Đề án 06, việc phục vụ người dân và doanh nghiệp của Công an TP HCM ngày càng hiệu quả
Công việc được thực hiện nhanh chóng, mang lại kết quả khả quan. Tính đến nay, Công an TP HCM đã tiếp xúc, làm việc với hơn 4.000 trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt; giải quyết cấp giấy khai sinh, số định danh cá nhân, cấp CCCD, giải quyết cư trú cho hơn 3.500 trường hợp.
Qua rà soát, trên địa bàn TP HCM còn khoảng 500 trường hợp được công an các đơn vị thực hiện xác minh về nhân thân, cư trú và đề xuất UBND cấp xã xác minh thông tin về hộ tịch để cấp giấy khai sinh cùng giấy tờ tùy thân khác.
Hết lòng phục vụ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP HCM, thông tin 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, đặc biệt là việc áp dụng các mô hình điểm theo đề án, đã góp phần thay đổi phương thức quản lý, tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân. Từ đó, việc phục vụ người dân cũng như doanh nghiệp được thực hiện tốt hơn.
Theo ông Trần Đức Tài, điều này đồng thời góp phần quan trọng trong việc xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh. Điển hình là hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với Cổng dịch vụ công quốc gia và đưa vào vận hành hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP HCM.
Giải quyết cấp căn cước công dân cho nhân khẩu đặc biệt tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức
Nói về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Giám đốc Công an TP HCM cho hay nhằm tiếp tục phát huy tinh thần "hết lòng vì nhân dân phục vụ", đẩy mạnh thực hiện Luật Căn cước, Công an thành phố tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP HCM thực hiện thường xuyên Kế hoạch 1878 với tiêu chí bảo đảm 100% nhân khẩu đặc biệt phải có thông tin và được cập nhật trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công an TP HCM đã và đang tập trung triển khai giải quyết những trường hợp khó như người già yếu, bại liệt, tâm thần nặng không còn khả năng nhận thức…
Thiếu tướng Trần Đức Tài khẳng định với quyết tâm cao, Công an TP HCM cùng các đơn vị liên quan tìm ra thông tin công dân sớm nhất, giúp nhiều nhân khẩu đặc biệt tìm lại được người thân bị thất lạc hoặc để các cơ sở bảo trợ triển khai đầy đủ chính sách an sinh xã hội khác.
Hiện thực hóa giấc mơ
Năm 2024, Công an TP HCM là đơn vị đầu tiên được Cục Quản lý xuất nhập cảnh chọn thí điểm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu cho trẻ dưới 14 tuổi trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an thông qua hệ thống xác minh nội bộ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Liên quan Kế hoạch 1878, Công an TP HCM khẳng định tiếp tục nỗ lực để kế hoạch này đi vào đời sống, biến giấc mơ có giấy tờ của những người kém may mắn thành sự thật.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-4
Bài và ảnh: PHẠM DŨNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dinh-vi-do-thi-nghia-tinh-khong-ai-phai-o-lai-phia-sau-196250403204046742.htm