Định vị lại trái cây Việt trên thị trường quốc tế

Định vị lại trái cây Việt trên thị trường quốc tế
5 giờ trướcBài gốc
Thách thức từ tư duy giá trị
Việt Nam không thiếu trái cây ngon, sản lượng cao, vùng trồng rộng lớn. Với hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả, tổng sản lượng khoảng 15 triệu tấn/năm, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm cung ứng trái cây cho thế giới. Tuy nhiên, nghịch lý là phần lớn sản phẩm vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, sơ chế, phụ thuộc vào vài thị trường truyền thống như Trung Quốc, trong khi giá trị gia tăng còn thấp.
Ngành trái cây Việt phải tái định vị nếu muốn tăng trưởng xuất khẩu
Điểm yếu không phải vì thiếu tài nguyên, mà ở cách tổ chức sản xuất và mô hình phát triển chưa tương thích với yêu cầu của chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam vẫn ưu tiên sản lượng hơn chất lượng, mở rộng diện tích thay vì tối ưu hóa hiệu quả, chú trọng tiêu thụ tức thời thay vì đầu tư vào chế biến và thương hiệu. Đây là những “điểm nghẽn cấu trúc” khiến ngành trái cây Việt chưa bứt phá được về giá trị, dù có lợi thế rất rõ về quy mô và chủng loại.
Những vấn đề cốt lõi này cũng được phân tích sâu tại Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 18/7. Tại sự kiện, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải định vị lại ngành trái cây, không chỉ ở sản phẩm, mà trên toàn bộ chuỗi sản xuất và giá trị. Chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào chất lượng, chế biến, truy xuất và thương hiệu được xem là hướng đi bắt buộc nếu Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận ổn định các thị trường có yêu cầu kỹ thuật cao như EU, Mỹ và Nhật Bản.
Lấy ví dụ từ chuối, mặt hàng xuất khẩu chủ lực với sản lượng hơn 3 triệu tấn/năm. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt gần 380 triệu USD, giúp Việt Nam đứng thứ 9 thế giới, nhưng theo ông Phạm Quốc Liêm - Chủ tịch HĐQT Công ty Unifarm, giá trị sản xuất hiện chỉ đạt khoảng 2.400 USD/ha, chưa tương xứng với tiềm năng sinh học và thị trường. “Nếu không tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao và kiểm soát chất lượng chặt chẽ, ngành chuối sẽ mãi chỉ là người đi làm thuê trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi xác định phải đưa giá trị sản xuất lên 20.000 USD/ha thì mới tạo được đột phá thật sự”, ông Liêm nhấn mạnh.
Tái định vị ngành trái cây là quá trình chuyển đổi sâu rộng, từ quản trị sản xuất đến kiến tạo thương hiệu quốc gia
Ngược lại, chanh leo cho thấy mô hình phát triển hiệu quả hơn. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods, từ một ngành gần như chưa có gì cách đây 10 năm, nay chanh leo Việt Nam nay đã đạt giá trị xuất khẩu 300 triệu USD từ sản phẩm chế biến và có thể chạm mốc 1 tỷ USD nếu thị trường Trung Quốc mở cửa hoàn toàn. “Chúng tôi không bán sản lượng, chúng tôi bán giá trị. Mỗi hecta chanh dây có thể mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng cho nông dân nhờ giống tốt, canh tác chuẩn hóa, chế biến sâu và định vị thương hiệu cao cấp”, ông Hùng phân tích.
"Kiến trúc" lại chuỗi giá trị
Định vị lại trái cây Việt không thể là một khẩu hiệu đơn lẻ. Đó là quá trình tái cấu trúc sâu, từ quy hoạch vùng trồng, chọn tạo giống, nâng cấp công nghệ, kiểm soát chất lượng đến chuẩn hóa chuỗi cung ứng. Ba nguyên tắc cơ bản cần xác lập: truy xuất - tiêu chuẩn - liên kết.
Về truy xuất và tiêu chuẩn hóa, ThS. Ngô Quốc Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng đây là điều kiện tiên quyết để giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là châu Âu và Mỹ. “Nếu không làm tốt truy xuất nguồn gốc, sẽ không có mã số vùng trồng, không thể vào chuỗi bán lẻ cao cấp. Một vài vụ vi phạm gần đây khiến mã số vùng trồng bị thu hồi (như sầu riêng, mít) là lời cảnh báo nghiêm túc cho toàn ngành”, ông nhấn mạnh.
Theo ông, bài toán không còn là “sản xuất bao nhiêu” mà là “bán ra thị trường thế nào và với giá trị gì”. Việc chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và minh bạch chuỗi đang khiến nhiều lô hàng bị trả về, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín vùng trồng. “Muốn giữ thị trường, phải làm đúng ngay từ khâu đầu tiên, minh bạch trong sản xuất, đóng gói, vận chuyển”, ông nói thêm.
Các chuyên gia cho rằng, cấp thiết định vị lại ngành trái cây
Một yếu tố nền tảng khác là giống cây trồng. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cảnh báo thực trạng người dân tự ý trồng giống mới không qua chọn lọc, khiến vùng nguyên liệu manh mún, chất lượng không đồng đều. “Chúng ta không thể xây thương hiệu từ giống chéo, giống lai tạp và trồng tùy tiện. Bản đồ số vùng trồng, kiểm định giống và quy hoạch chuyên canh là điều bắt buộc”, bà Kim Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Thanh đề xuất hiện đại hóa chế biến: “Trong khi nhiều nước đã cơ giới hóa toàn bộ khâu sơ chế, Việt Nam vẫn chủ yếu gọt tay, làm thủ công. Điều này khiến ta thua ngay từ chi phí logistics”.
Từ góc độ thị trường, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh vai trò then chốt của hạ tầng và chính sách đất đai. “Không thể yêu cầu doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu nếu không có đất ổn định và hệ thống thủy lợi. Cần có chính sách cởi trói đất công, cho thuê dài hạn hoặc đấu giá minh bạch để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hơi”.
Ông Nguyên cũng đánh giá cao cơ hội từ thị trường dứa toàn cầu: “Giá trị thị trường dứa toàn cầu đã đạt gần 30 tỷ USD. Nước dứa cô đặc Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia. Vấn đề còn lại là chúng ta có đủ tầm nhìn và nguồn lực để nâng cấp toàn chuỗi hay không”.
Tái định vị trái cây Việt không đơn thuần là đổi nhãn, cải tiến bao bì hay mở rộng thị trường. Đó là một quá trình chuyển đổi sâu rộng, từ quản trị sản xuất đến kiến tạo thương hiệu quốc gia. Sự thay đổi này đòi hỏi một “kiến trúc mới” của ngành hàng trái cây, trong đó Nhà nước đóng vai trò thiết kế thể chế, doanh nghiệp là đầu tàu công nghệ và thị trường, còn người nông dân là chủ thể sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp. Khi các yếu tố này hội tụ và vận hành đồng bộ, trái cây Việt mới thoát khỏi vị thế nguyên liệu thô, vươn lên thành thương hiệu chất lượng cao, được nhận diện, được tin cậy và có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ nông sản toàn cầu.
Thanh Ngân
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/dinh-vi-lai-trai-cay-viet-tren-thi-truong-quoc-te-320098.html