Ngày 14-11, tại TPHCM đã diễn ra chương trình tọa đàm giữa các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp phía nam.
Mở đầu tọa đàm, ông Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ cho biết trước khi các đại sứ, tổng lãnh sự lên đường nhận nhiệm vụ, Bộ Ngoại giao tổ chức cho các trưởng cơ quan đại diện đi chào lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chủ chốt, làm việc với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nắm bắt tình hình và nhu cầu trong nước.
"Tại cuộc trao đổi hôm nay chúng tôi mong sẽ được lắng nghe ý kiến và những đặt hàng cụ thể của các DN, hiệp hội với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để từ đó hỗ trợ DN được tốt nhất", ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết 10 tháng qua ngành may đã mang về 36,4 tỷ USD và kế hoạch 44 tỷ USD cho năm nay là nằm trong tầm tay. Dự kiến qua năm 2025, ngành may sẽ đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD. Hiện sản phẩm dệt may Việt Nam đã có mặt tại 104 thị trường trên toàn thế giới và đang tiếp tục mở rộng.
"Đặt hàng" với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ông Giang bày tỏ mong muốn các đại sứ sẽ giới thiệu cho DN các nhà mua hàng quan tâm đến thị trường Việt Nam đồng thời thông tin về các thay đổi chính sách của các thị trường.
Tham dự tọa đàm lần này, phía Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng gửi gắm những mong muốn của mình đến các đại sứ. Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP, cho biết khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng thì khó lường trước điều gì xảy ra vì thế các DN rất mong sẽ có các thông tin sâu, cập nhật về thị trường Mỹ để DN chủ động hơn trong các chuẩn bị của mình.
Ngoài ra một số thị trường tưởng quen nhưng DN cũng đang thiếu thông tin như Trung Quốc. Theo bà Lan, Trung Quốc đang là thị trường lớn của thủy sản trong đó có cá tra nhưng DN rất thiếu thông tin về thị trường này.
Nói thêm về mong muốn được cung cấp thông tin, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng thông tin là rất cần nhưng cái DN cần hơn là thông tin về những rủi ro có thể xảy ra về chính trị hoặc hàng rào kỹ thuật. "Ngoài ra những thông tin khoa học công nghệ tại các nước nhất là các nước phát triển cũng rất đáng quý. Thêm vào đó các hỗ trợ và khuyến nghị về mặt pháp lý tại các nước DN xuất khẩu hoặc đến đầu tư là hết sức cần thiết", ông Kiệt nhấn mạnh.
Lắng nghe các chia sẻ của DN, ông Phạm Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc nhấn mạnh các chia sẻ, kiến nghị của các DN, hiệp hội rất sát thực tế giúp cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ hơn những thuận lợi, khó khăn cũng như những mong muốn của cộng đồng DN.
"Chúng tôi sẽ lắng nghe, quan tâm và hỗ trợ cùng DN nhiều hơn. Song thông tin cần hai chiều, các hiệp hội ngành hàng cũng cần chủ động cung cấp thông tin đồng thời có những phản hồi kịp thời khi chúng tôi gửi thông tin thị trường về", ông Bình nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm lần này, ông Tô Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao) đã có những chia sẻ dự báo với cộng động DN, hiệp hội về các chiều hướng chiều hướng chính sách thương mại của tân Tổng thống Mỹ.
Thanh Lâm