Tại một số siêu thị như Go! Thăng Long, AEON Hà Đông hay siêu thị Co.opmart, hàng hóa được xếp đầy ắp trên các kệ hàng. Các hệ thống này đều triển khai nhiều khuyến mại hấp dẫn áp dụng với nhiều mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, các loại rượu, bia, nước giải khát, cho đến các loại quần áo thời trang... Một số hệ thống đã chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, xây dựng giá thành hợp lý, nhất là hàng nông sản, đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm ưu thế lớn trên kệ hàng và được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
“Tôi thấy có nhiều hàng khuyến mại. Nếu so hàng ngoại nhập và hàng trong nước có thể thấy gần như là tương đương rồi, mà hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Tôi hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ hàng Việt”, một người tiêu dùng nói.
DN đẩy mạnh khuyến mại, kích cầu tiêu dùng tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế
“Tôi hay lựa chọn hàng Việt Nam sản xuất, hàng hóa phong phú về chất lượng, mẫu mã, hình thức. Tôi lựa chọn hàng Việt Nam nhiều hơn giá cả phải chăng, có nhiều chương trình khuyến mại, phù hợp túi tiền”, một người tiêu dùng khác cho hay.
Theo số liệu công bố của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2025 ước tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu cẩn trọng, mỗi quyết định mua sắm đều được tính toán kỹ lưỡng. Trong giỏ hàng của một gia đình, hầu hết là những mặt hàng thiết yếu như thịt cá, rau củ... Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực Miền Bắc, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, các chương trình khuyến mại sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng nhiều hơn.
“Chúng tôi tập trung vào hàng hóa thiết yếu, có những chương trình khuyến mại... Những ngành hàng có lượng tiêu thụ thấp thì chúng tôi có chương trình riêng để làm sao kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng”, ông Lê Văn Liêm cho biết.
Theo các chuyên gia, sự thay đổi trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã và đang trở thành cơ hội, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp cần linh hoạt, nhanh chóng thích nghi, đổi mới và đánh giá lại chiến lược kinh doanh để phù hợp với những nhu cầu và xu hướng tiêu dùng hiện nay.
“Doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng được mẫu mã, bao bì, chất lượng hàng hóa. Làm thế nào để đảm bảo, thu hút được người tiêu dùng thích dùng hàng ngoại quay về dùng hàng Việt Nam. Chúng tôi nghĩ là doanh nghiệp phải phấn đấu, muốn bán hàng ở trong thị trường trong nước thì phải đáp ứng được nhu cầu thị trường, đáp ứng được chất lượng, bao bì, mẫu mã...”, bà Mai Thị Thùy nói thêm.
Khảo sát của nhiều công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, người tiêu dùng thay đổi thứ tự các yếu tố quan tâm khi mua sắm, lựa chọn sản phẩm theo tiêu chí: ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm, cá nhân hóa nhu cầu, đồng thời tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối… Thực tế đang đặt ra cho các doanh nghiệp bài toán cần phải đưa ra những kế hoạch cân đối danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau, đồng thời phải có chương trình khuyến mại để giữ chân người tiêu dùng.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, cần phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi, tác động và hỗ trợ trực tiếp nhà sản xuất, nhà phân phối: “Các doanh nghiệp phải có giải pháp bằng những cam kết cụ thể hay những ứng dụng số để có thể phát triển trong tương lai...”.
Thị trường nội địa được coi là một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Với mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng đạt khoảng 12% trong năm nay, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới. Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ thương mại, xúc tiến tiêu dùng tại các đô thị lớn và khu vực có tiềm năng tiêu thụ cao, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa các chương trình ưu đãi, giúp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và gia tăng hiệu quả mua sắm.
Bá Toàn/VOV1