Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Đô đốc Sam Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngày 20/11 đánh giá: “Với một số hệ thống Patriot đã được sử dụng, một số tên lửa không đối không đã được triển khai, giờ đây các xung đột đang ăn mòn nguồn dự trữ và sẽ là không trung thực nếu phủ nhận điều này”.
Đô đốc Paparo đánh giá tình trạng tiêu hao phòng không"gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng" của Mỹ trong ứng phó tại châu Á - Thái Bình Dương.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã liên tục trang bị cho Ukraine và Israel những hệ thống phòng không tinh vi nhất của Mỹ. Trong khi đó, Hải quân Mỹ trực tiếp bảo vệ các tàu thuyền trên Biển Đỏ khỏi tên lửa và thiết bị bay không người lái từ lực lượng Houthi ở Yemen.
Đối với riêng Ukraine, Mỹ đã chuyển đến nước này một loạt hệ thống phòng thủ, bao gồm tên lửa Patriot và Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến quốc gia (NASAMS).
Đáng chú ý, vào tháng 10, Mỹ đã triển khai hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Israel, và khoảng 100 quân nhân để vận hành hệ thống này. THAAD là một phần quan trọng trong hệ thống phòng không nhiều lớp của quân đội Mỹ. THAAD được coi là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất hành tinh, có thể nhắm tiêu diệt các tên lửa ngay trên không trung. Lockheed Martin là đơn vị sản xuất THAAD.
Trong một diễn biến khác, truyền thông phương Tây vào ngày 17/11 đồng loạt đưa tin Tổng thống Joe Biden đã “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS có tầm bắn lên tới 306 km, do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga. Quyết định này đồng nghĩa với sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Đến ngày 19/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã phóng 6 tên lửa ATACMS vào khu vực Bryansk. Bộ này cũng thông báo rằng hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 5 tên lửa và gây hư hại một tên lửa.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters, Times of Israel)