Dở khóc dở cười chuyện sắm Tết trên 'chợ mạng'

Dở khóc dở cười chuyện sắm Tết trên 'chợ mạng'
4 giờ trướcBài gốc
Rủi ro hàng hóa trên "chợ mạng"
Hiện tại chính là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh hơn bao giờ hết, đặc biệt là trên các "chợ mạng". Không thể phủ nhận sự lôi cuốn của "chợ mạng" trong mùa Tết, nơi chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, người tiêu dùng có thể nhanh chóng tìm kiếm sản phẩm ưa thích, so sánh giá cả và đặt hàng giao tận nhà.
Tuy nhiên, ẩn sau sự tiện lợi và đa dạng ấy là không ít rủi ro như hàng kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng hay lừa đảo, đòi hỏi người mua cần thận trọng và sáng suốt.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Minh Ngọc (23 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ rằng việc mua sắm online dịp Tết đôi khi khiến chị gặp phải những tình huống không mong muốn, đặc biệt là khi mua mỹ phẩm và thực phẩm.
"Tôi đã đặt một chiếc váy được quảng cáo là hàng thiết kế cao cấp, nhưng khi nhận về thì chất vải rất mỏng, đường may lỏng lẻo, khác xa hình ảnh trên mạng. Trước đó, có lần tôi đặt mua một thỏi son từ một shop online, đến khi dùng thì thấy khác thỏi mua ở store, kiểm tra kỹ mới biết đó là hàng nhái", chị Ngọc kể lại.
Dịp cận Tết việc đổi trả hàng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Chị cũng cho biết, dịp cận Tết việc đổi trả hàng càng khó khăn hơn do các shop thường viện lý do quá tải hoặc không phản hồi tin nhắn. Ngay cả khi được hoàn trả thì cũng rất khó để có thể kịp nhận hàng trước dịp Tết.
"Mua đồ trang trí hỏng còn đỡ, chứ mỹ phẩm hay thực phẩm kém chất lượng mà không phát hiện sớm thì hậu quả khó lường", chị Ngọc bày tỏ sự bức xúc.
Ngoài mua hàng kém chất lượng, người tiêu dùng còn đối mặt với đủ chiêu trò lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm. Chị Phạm Thị Thu Hà (22 tuổi, Đống Đa) kể rằng gần đây chị liên tục nhận cuộc gọi của các shipper giả. Điều đáng nói là những kẻ lừa đảo này nắm rõ thông tin cá nhân của chị, bao gồm cả địa chỉ và tên tuổi. Với giọng điệu chuyên nghiệp, shipper giả yêu cầu chị thanh toán cho những đơn hàng không có thật với số tiền từ 150.000 - 300.000 đồng.
"Dịp Tết nên tôi cũng nghĩ là đơn hàng đang giao của mình. Dù đã rất cẩn thận, tôi vẫn bị lừa mất 250.000 đồng khi không kịp xác minh thông tin", chị Hà kể lại.
Đặc biệt, với lượng đơn hàng tăng vọt đột biến, nhiều khách hàng đang có nguy cơ không thể nhận được hàng kịp Tết. Vốn là khách hàng thân quen của việc mua sắm online, chị Phạm Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết dù đã đặt hàng từ ngày 20/1 nhưng vẫn không biết có kịp nhận hàng trước Tết không.
"Tôi đã lên phố Bà Triệu để tìm mua quần áo Tết, nhưng mấy mẫu thích thì lại hết size. Bí quá nên mới phải đặt qua mạng, đến shop còn nói với tôi là không chắc có giao hàng kịp không, tầm này hên xui lắm", chị Xuân chia sẻ.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo, sáng suốt
Theo báo cáo mới đây của Grab về xu hướng mua sắm Tết, 55% người được khảo sát cho biết họ bắt đầu mua sắm các mặt hàng này từ 1 tháng trước tết và 49% kết hợp giữa mua sắm trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).
Những người được khảo sát cũng cho biết họ dự kiến chi trung bình 7,4 triệu đồng trong Tết Nguyên đán năm nay, trong đó các mục chi chủ yếu là hàng hóa thực phẩm (25%), quần áo phụ kiện (24%) và tiệc tùng họp mặt (23%).
Trước những diễn biến phức tạp, trong văn bản 133 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng,...
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các cấp nắm chắc tình hình địa bàn quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để phát sinh các kho, bãi, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Để mua sắm online an toàn, người mua nên ưu tiên chọn những gian hàng đáng tin cậy, có đánh giá tích cực từ người mua trước. Đồng thời kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, đọc kỹ mô tả, chính sách đổi trả và bảo hành để tránh những sai sót không đáng có. Việc so sánh giá cả trên nhiều nền tảng cũng là cách mua được sản phẩm với giá hợp lý.
Đặc biệt, cần lưu giữ thông tin giao dịch như hóa đơn, mã đơn hàng hoặc email xác nhận để dễ dàng xử lý nếu xảy ra sự cố. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, sáng suốt lựa chọn để có một mùa Tết an toàn và trọn vẹn niềm vui.
Phạm Thị Thanh Loan
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/do-khoc-do-cuoi-chuyen-sam-tet-tren-cho-mang-204250120222004896.htm