Kể từ đầu năm nay, giá đô la so với với một rổ 10 ngoại tệ mạnh đã giảm hơn 7%. Ảnh: Reuters
Chỉ số đô la giao ngay Bloomberg, theo dõi giá đồng bạc xanh cho với một rổ 10 ngoại tệ mạnh thuộc nhóm G10 giảm đến 0,8% trong phiên giao dịch hôm 23-5, nới rộng mức giảm lên hơn 7% kể từ đầu năm. Đồng đô la giảm giá đã hỗ trợ cho tất cả các đồng tiền của nhóm G10. Bảy đồng tiền trong nhóm này đã tăng 1% trở lên so với đồng bạc xanh, với đồng đô la New Zealand và đô la Úc dẫn đầu đà tăng.
Đô la giảm giá sau khi những lời đe dọa áp thuế mới nhất của ông Trump với Liên minh châu Âu (EU) và Apple khiến nhà đầu tư lo lắng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hứng chịu tác động tiêu cực.
Hôm qua, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố sẽ đánh thuế 50% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ EU kể từ đầu tháng Sáu do thất vọng với tiến trình đàm phán thương mại đang bế tắc với khối này. Ông cũng không hài lòng trước quyết định của Apple mở rộng sản xuất iPhone ở Ấn Độ nên yêu cầu iPhone bán trong nước phải được sản xuất tại Mỹ, nếu không sẽ áp thuế ít nhất 25% đối với iPhone nhập khẩu vào nước này.
Trong khi đó, các quỹ đầu cơ, nhà quản lý tài sản và các nhà giao dịch khác tiếp tục đặt cược giảm giá đối đô la, theo dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ.
“Cùng với sự bất ổn về chính sách và kinh tế gia tăng, việc tăng mạnh thuế quan đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ EU làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ”, Aroop Chatterjee, nhà chiến lược của ngân hàng Wells Fargo nhận định.
Chỉ số đô la giao ngay Bloomberg giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2023. Ảnh: Bloomberg
Đô la bị bán mạnh ngay cả khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tuyên bố Mỹ có thể đạt được một số thỏa thuận thương mại lớn trong vài tuần tới. Theo quan điểm của ông, đô la không phải đang yếu đi, mà chỉ là một số đồng tiền khác đang mạnh lên. Quyết định mở rộng tài khóa gần đây ở châu Âu đã thúc đẩy đồng euro, trong khi việc Ngân hàng trung Nhật Bản tăng lãi suất đang hỗ trợ đồng yen.
“Bình luận này của ông Bessent không có lợi cho đồng đô la và có khả năng khiến thị trường suy đoán rằng, chính phủ Mỹ đang theo đuổi chính sách đồng đô la yếu hơn”, Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối của Monex nói.
Kỳ vọng về việc một số quốc gia châu Á có thể ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ bao gồm các biện pháp tăng cường tỷ giá hối đoái so với đồng bạc xanh đã hỗ trợ một loạt tiền tệ trong khu vực bao gồm đồng won Hàn Quốc và đô la Đài Loan trong những tuần gần đây.
Theo Lee Hardman, nhà phân tích tiền tệ cấp cao ngân hàng MUFG, những lo ngại mới của nhà đầu tư về triển vọng tài khóa của Mỹ, cùng với suy đoán rằng chính quyền Donald Trump đang tìm cách làm suy yếu đồng đô la trong các cuộc thảo luận với các quốc gia khác, đã góp phần khiến đồng bạc xanh bị bán tháo.
Đồng đô la yếu hơn sẽ làm giảm giá hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trên thị trường quốc tế, giúp tăng cạnh tranh với sản phẩm từ các quốc gia có đồng tiền mạnh hơn.
Giới đầu tư tiền tệ cũng lo lắng khi Thượng viện Mỹ xem xét dự luật cắt giảm thuế của ông Trump, bao gồm điều khoản tăng trần nợ công thêm 4.000 tỉ đô la để tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng Tám hoặc tháng Chín.
Dự luật sẽ gia hạn các chương trình cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp trong Đạo luật Cắt giảm thuế năm 2017. Dự luật đã được Hạ viện thông qua hôm 22-5, dự kiến bổ sung hàng trăm tỉ đô la vào thâm hụt liên bang mỗi năm.
“Những lo lắng liên quan đến ngân sách của Mỹ cho thấy thị trường đang tiếp tục xem xét lại sự vượt trội của các tài sản Mỹ. Bất kể đó là lo ngại về ngân sách, lạm phát hay tăng trưởng, nhà đầu tư đều cảnh giác hơn với tài sản của Mỹ. Điều đó tiếp tục gây áp lực lên đồng đô la”, Jane Foley, nhà chiến lược của ngân Rabobank bình luận.
Theo CNN, Financial Times
Chánh Tài