Tết ấm áp nhờ nướng loại bánh đặc sản trên bếp than hồng. Clip: Hoài Nam.
Thơm lừng làng bánh nướng
Chiều Đông, làn khói trắng vờn quanh từ gian bếp của gia đình bà Phạm Thị Hiếu (62 tuổi, trú thôn Phố Cường, xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nối đuôi ra không trung tỏa mùi hương thơm ngào ngạt.
Gian bếp của gia đình bà Hiếu có bề rộng khiêm tốn, tường, trần và cột nhà bằng gỗ đã nhuộm đen bởi mùi khói. Đôi bàn tay đang thoăn thoắt tráng những chiếc bánh bên bếp lửa, bà Hiếu chia sẻ đã làm bánh đa từ năm 18 tuổi, đến nay đã có hơn 40 năm trong nghề.
Công việc làm bánh đa vừng, dù không có thu nhập cao như các ngành nghề khác, nhưng đổi lại nhờ siêng năng, cần cù nên ở quê, gia đình bà Hiếu cũng có của ăn của để, nuôi 5 người con thành đạt từ tấm bánh giản dị ấy.
Người dân nướng bánh xuyên đêm phục vụ nhu cầu khách hàng dịp Tết.
Bà Hiếu cho biết nguyên liệu làm bánh đa được làm từ bột gạo và loại vừng đen. Để làm bánh, gạo được ngâm khoảng một tiếng đồng hồ nhằm tạo độ sánh mịn và mềm khi xay. Những hạt gạo được xay nhuyễn hòa cùng nước sẽ thành bột mịn và trắng muốt, lúc này sẽ mang đi tráng bánh.
Bà Hiếu chia sẻ tráng bánh là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ. Khi nước sôi, hơi nóng bốc lên, người thợ liên tục đổ bánh trên tấm màn trắng mỏng, đường tay đi khéo léo để bánh tạo được độ dày nhất định, hình tròn cố định. Mỗi chiếc bánh khi tráng xong, sẽ rắc lên những hạt vừng đen lên mặt bánh.
Theo bà Hiếu điều đặc biệt ở làng nghề, bánh được tráng thủ công bằng tay, ngày nắng sẽ phơi ở sân, còn mùa này bánh xếp ngăn nắp hong khô trên than hồng đỏ lửa. Gian bếp của gia đình bà Hiếu có 3 lò than, mỗi lò được dựng thêm tấm gỗ để làm giá đỡ phơi bánh.
“Trước khi bánh bán ra thị trường còn phải trải qua khâu nướng bánh. Bánh hong khô bằng than củi và nướng cũng dùng than củi, bởi vậy bánh ở đây thơm, ngon nên nhiều người đặt. Mỗi ngày gia đình làm ra khoảng 300 chiếc bánh, khách đến tại nhà đặt mua. Dịp Tết này chúng tôi phải đỏ lửa từ sáng đến đêm để làm hàng”, bà Hiếu nói.
Bánh đa vừng được người dân địa phương tất bật sản xuất phục vụ Tết.
Tay cầm bánh, bà Hiếu liên tục quạt, lật đều tay trên chậu than đỏ rực. Để tránh bánh bị vênh, thi thoảng bà dùng tay nắn lại tấm bánh một cách nhẹ nhàng, linh hoạt. Bà Hiếu nói nướng bánh đa phải quan sát rất tập trung. Và điều quan trọng nhất là người nướng phải biết dừng lại lúc nào, tức là khi bánh đã được rồi thì đưa ra ngay nếu không rất dễ bị cháy.
Nghề truyền thống
Nghề làm bánh đa ở xã Gia Phố có từ hàng chục năm trước, nhờ nghề này nhiều gia đình đã vượt khó, nuôi con cái vào đại học. Ông Nguyễn Văn Trọng (64 tuổi) có hàng chục năm trong nghề làm bánh chia sẻ, bánh đa vừng ở Gia Phố đã có từ hàng chục năm trước, là nghề truyền thống cha truyền con nối. Ngày xưa, làm bánh đa là nghề phụ của người dân sau này dần dần được chuyên nghiệp hóa, là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Ông Trọng chia sẻ nghề cũng rất thăng trầm, có những năm cả làng này cùng đỏ lửa nướng bánh, nhưng qua thời gian, nhiều người bỏ không theo nghề vì không có lãi. Nhưng với gia đình ông, việc giữ nghề truyền thống không chỉ là kiếm thêm thu nhập mà đó là giữ hương vị của quê hương, là công sức của cha ông đã hun đúc.
Ông Nguyễn Văn Trọng có hàng chục năm trong nghề làm bánh đa vừng.
“Theo nghề này vì yêu thích, con cái cũng bảo không làm nữa vì mất nhiều thời gian và khá mệt, nhưng bỏ cũng tiếc vì quen việc rồi. Sáng dậy cứ ngồi tráng bánh đến chiều nướng bánh, trong nhà ngày nào cũng đông vui vì có người đến mua bánh. Dịp Tết này gia đình làm tăng thêm số lượng để phục vụ thị trường”, ông Trọng nói.
Lãnh đạo UBND xã Gia Phố cho hay hiện tại địa phương có trên 100 hộ sản xuất bánh đa, trong đó có khoảng 50 hộ làm bánh đa theo hướng thủ công, nướng bằng than củi. "Nghề làm bánh đa có truyền thống từ lâu đời, nhờ nghề này nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định, nuôi con cái ăn học. Hiện tại địa phương đang tuyên truyền, vận động người dân đầu tư, mở rộng kinh doanh ra thị trường ngoài tỉnh", đại diện UBND xã Gia Phố nói.