'Đỏ mắt' tìm ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm 6%/năm

'Đỏ mắt' tìm ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm 6%/năm
7 giờ trướcBài gốc
Sau khi Thủ tướng chỉ đạo "nóng" thanh tra, kiểm tra các nhà băng tăng lãi suất huy động thời gian qua. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo. Trong đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, quyết định sử dụng các công cụ quản lý về hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép theo quy định.
Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, 30 đơn vị hạ lãi suất huy động từ 0,1%/năm đến 1,05%/năm. Tuy nhiên, ghi nhận trên thị trường, sau đợt giảm lãi suất dồn dập của các ngân hàng từ cuối tháng 2, từ đầu tháng 5 đến nay, đà giảm lãi suất huy động chậm lại.
Tháng 6 vừa qua, chỉ có sáu ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất: LPBank, Bac A Bank và VPBank giảm lãi suất; HDBank và GPBank điều chỉnh tăng; NCB tăng lãi suất một số kỳ hạn, nhưng đồng thời cũng giảm ở một số sản phẩm tiền gửi khác.
Theo biểu lãi suất hiện hành, mức cao nhất trên thị trường là 6,1%/năm, nhưng chỉ có ngân hàng Bac A Bank duy trì trọn vẹn mức này cho kỳ hạn 18 - 36 tháng với khoản tiền trên 1 tỷ đồng.
Các chuyên gia dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm.
Hai ngân hàng khác niêm yết lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn dài. HDBank áp dụng lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ và trực tuyến cho kỳ hạn 15 -18 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ), cùng với ngân hàng số Vikki Bank áp dụng cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, và BIDV vẫn luôn là những ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp nhất thị trường hiện nay. Các đơn vị này niêm yết lãi suất cao nhất hiện là 4,8%/năm, trong khi lãi suất thấp nhất chỉ 1,6%/năm.
Các chuyên gia dự báo huy động tại các ngân hàng được dự báo sẽ sớm bước vào chu kỳ tăng trở lại sau thời gian dài duy trì ở mức thấp. Theo đó, lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm với kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt hoặc thậm chí vượt mục tiêu đề ra là 16%.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lãi suất huy động có thể tăng khoảng 1–2 điểm phần trăm từ quý IV/2025 do nhu cầu vốn phục hồi và áp lực thanh khoản gia tăng. KBSV nhận định: “Khả năng giảm thêm là rất thấp vì lãi suất thực không còn hấp dẫn, đặc biệt với kỳ hạn 6–12 tháng”.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của MBS Research cho rằng, mặc dù gần đây lãi suất huy động đang trên đà giảm, tuy nhiên, lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm với kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt hoặc thậm chí vượt mục tiêu đề ra là 16%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 18/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, trong khi tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 3,87%.
"Tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt 17 – 18%, được thúc đẩy bởi: sự phục hồi của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa, và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ dao động quanh mức 5,5 - 6%/năm trong năm 2025", MBS Research dự báo.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng có thể lên 5,2–5,3%/năm vào cuối năm nay, khi tăng trưởng tín dụng cần thiết để đạt mục tiêu GDP 8% khiến các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi đánh giá, mặt bằng lãi suất hiện đã ở mức thấp nhất 15 năm, phổ biến 4,5%-5,5% với huy động và 8%-9% với cho vay. “Dư địa giảm thêm không còn nhiều. Các ngân hàng đang chuyển sang giai đoạn bình ổn và tinh chỉnh lãi suất”, ông Huy nói.
Dự báo xu hướng sắp tới, ông Huy cho rằng: “Nửa cuối năm 2025, nếu lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt, mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở vùng thấp hợp lý, tối đa tăng thêm 0,5 điểm phần trăm”.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//ngan-hang/do-mat-tim-ngan-hang-tra-lai-suat-tiet-kiem-6-nam-1107838.html