Những dự án 10 năm chưa về đích
Là người sinh sống và thường xuyên đi qua dự án nghìn tỷ cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngà, sống tại phường Dương Nội bày tỏ ngao ngán: "Cứ mưa lớn là cả khu phố biến thành sông. Nước ngập đến đầu gối, rác trôi lềnh bềnh, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Có dự án tiêu nước nghìn tỷ nhưng chục năm nay vẫn chưa xong".
Mưa lớn vào những ngày cuối tháng 6 khiến trung tâm TP Thái Nguyên (cũ) chìm trong biển nước, giao thông tê liệt.
Bà Ngà cho biết, dự án góp phần giải quyết vấn đề ngập lụt, thi công từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn dang dở. "Công trường bụi bặm, máy móc ngổn ngang, mà ngập thì vẫn ngập", bà Ngà thở dài.
Anh Trần Văn Hùng, một tài xế xe ôm ở phường Hà Đông bày tỏ: "Mưa lớn là tôi nghỉ chạy xe luôn vì đường ngập không đi được. Dân mong dự án xong sớm, nhưng năm nào cũng nghe hứa mà chẳng thấy đâu".
Theo UBND TP Hà Nội, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội khởi công vào cuối năm 2015, mang theo kỳ vọng về việc xóa bỏ "điểm đen" ngập úng cho các quận huyện trước đây như Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoài Đức. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 7.400 tỷ đồng, bao gồm hai hạng mục chính: trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và cứng hóa kênh La Khê.
Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa hoàn thành vào năm 2020. Với 10 tổ máy, công suất 120m³/giây, đây là trạm bơm tiêu lớn nhất Hà Nội, hứa hẹn giảm ngập úng cho hơn 6.300ha đất nông nghiệp và khu đô thị. Tuy nhiên, trạm bơm này chỉ hoạt động cầm chừng, bởi kênh La Khê - tuyến dẫn nước chính vẫn chưa được hoàn thiện, do vướng mắc mặt bằng.
Còn tại TP.HCM, siêu dự án ngăn triều có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng sau gần một thập kỷ khởi công, dự án vẫn "giậm chân tại chỗ".
Bà Lê Thị Hồng, sống tại phường Phú Thuận chia sẻ: "Cứ mưa lớn là đường ngập như sông, xe chết máy, nhà trọ của tôi nước tràn vào tận chân giường. Nghe nói dự án 10.000 tỷ đồng sẽ giải quyết ngập lụt, nhưng bao năm rồi chẳng thấy tiến triển gì. Đi làm về, nhìn nước ngập tới đầu gối mà chỉ muốn khóc" .
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến 21 thành viên Chính phủ về dự thảo nghị quyết tháo gỡ vướng mắc một số dự án, trong đó có dự án này.
Ngập từ đô thị đến miền núi
Tại Cần Thơ, thành phố được mệnh danh là "Thành phố xanh quốc gia" 2024, dù hệ thống chống ngập gần 9.200 tỷ đồng đã vận hành, nhiều tuyến đường vẫn chìm trong biển nước khi mưa lớn.
Chống ngập cần được hiện thực hóa bằng trách nhiệm và giải pháp cụ thể, nói được phải làm được. Các cơ quan quản lý và các chủ đầu tư cần xác định rõ vấn đề này, đừng để tiền trôi theo dòng nước gây lãng phí như hiện nay.
Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội
Ông Điệp, người bán hàng ăn trên đường Trần Việt Châu ngao ngán: "Mỗi khi mưa lớn, nước lại tràn vào tận quán. Chả hiểu sao, có dự án chống ngập nghìn tỷ mà 10 năm nay dân vẫn phải chịu cảnh ngập khổ sở thế này".
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ, nguyên nhân ngập là do vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tác động của lũ thượng nguồn, triều cường dâng cao trên sông Hậu, mưa với lưu lượng lớn, quá trình đô thị hóa, lún đất…
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND phường Ninh Kiều cho rằng, địa bàn có kênh rạch bị bồi lắng, không đủ sâu để thoát nước, nhiều cống bị rác thải chặn dòng chảy. Hiện phần lớn hệ thống cống thoát nước các tuyến đường trên địa bàn đã lâu đời, xuống cấp, không đồng bộ....
Thực tế không chỉ các thành phố lớn mà một số các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Thái Nguyên cũng đang đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.
Tại Lạng Sơn, trong tháng 6 và đầu tháng 7, chỉ sau vài tiếng mưa lớn, một số tuyến phố như: cầu chui Mỹ Sơn, ngã tư Phai Trần, đường Bà Triệu... nước ngập quá vỉa hè, tràn vào nhà dân, nhiều ô tô chết máy. Người dân di chuyển bằng xe máy cũng phải dắt bộ vì nước ngập gần tới yên xe.
Tại Thái Nguyên, ngập úng đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi mùa mưa đến. Mới đây, từ ngày 20 - 22/6 và đầu tháng 7, Thái Nguyên tiếp tục hứng chịu một đợt mưa cực đoan khiến các khu vực ven sông Cầu, sông Công đều bị ảnh hưởng. Riêng TP Thái Nguyên (cũ) có 16 xã, phường bị chia cắt, 2 người thiệt mạng, nhiều tuyến đường sạt lở.
Coi chống ngập là nhiệm vụ cấp bách
Để phòng chống ngập úng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu đã giao Sở Xây dựng khảo sát toàn bộ hệ thống thoát nước, bổ sung hố ga ở những nơi cần thiết để tăng khả năng thu gom rác. Các địa phương bố trí kinh phí, tổ chức nạo vét cống rãnh thường xuyên…
Học sinh TP Cần Thơ lội nước khi tan trường vì mưa lớn gây ngập đường phố.
Lãnh đạo thành phố còn treo thưởng cho những sáng kiến chống ngập hiệu quả: "Thành phố sẽ thưởng 50 triệu đồng, khen đột xuất và cân nhắc quy hoạch vị trí cao hơn. Nếu có ý tưởng hay cứ nhắn tin cho tôi".
Tại Bắc Ninh, ngay sau khi sáp nhập, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã yêu cầu nhiệm vụ cấp bách đầu tiên là xóa bỏ hình ảnh "cứ mưa là ngập" tại phường Bắc Giang. Ngay sau đó, Sở Xây dựng đã khảo sát thực địa, chủ trì hội nghị đánh giá hiện trạng, bàn giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài, không để tái diễn tình trạng ngập úng cục bộ tại các tuyến phố trung tâm...
Còn tại tỉnh Thái Nguyên, đại diện Sở Xây dựng cho biết, tỉnh đã thống nhất với đề xuất của UBND phường Phan Đình Phùng về việc xây dựng kế hoạch tổng thể xử lý ngập với tổng mức đầu tư khoảng 588 tỷ đồng.
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Xây dựng Lạng Sơn thông tin, Sở đang nghiên cứu xây dựng một đường ống dẫn nước để tách riêng nước mưa tại khu vực Mỹ Sơn đổ ra sông Kỳ Cùng, không cho nước chảy tràn về các tuyến phố trung tâm như hiện nay; lắp đặt trạm bơm tiêu úng tại khu vực cầu chui Mỹ Sơn...
Cần giải pháp căn cơ
Theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện trạng hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn thiếu đồng độ, năng lực tiêu thoát nước còn hạn chế…
Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch và quản lý cao độ nền chưa được xem trọng, chất lượng còn thấp. Nhiều đô thị chưa có cao độ nền, chưa xác định được cốt khống chế toàn đô thị, gây nên tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực.
Ông Vinh cho rằng, công tác lập, thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch thoát nước được duyệt còn hạn chế, năng lực hệ thống tiêu thoát nước chưa đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Một số dự án thoát nước chống ngập đô thị chậm triển khai đầu tư hoặc đầu tư chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, kết nối với hệ thống tiêu thoát nước thủy lợi chưa đảm bảo.
Ông Vinh thông tin, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo đơn vị quản lý thoát nước chủ động nâng cao hiệu quả vận hành, khơi thông cửa thu, xả nước và nạo vét bùn lòng cống, kênh mương thoát nước. Đồng thời, lập bản đồ cảnh báo các điểm ngập úng và thông báo tới người dân; ưu tiên xử lý các điểm ngập úng cục bộ khu vực đô thị trung tâm, các khu dân cư có hệ thống thoát nước cũ đã xuống cấp.
"Bộ Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng Luật Cấp, Thoát nước, đây sẽ là khung pháp lý quan trọng để giải quyết cơ bản việc ngập úng đô thị. Dự án luật dự kiến sẽ tiếp tục trình Quốc hội vào tháng 6/2026", ông Vinh thông tin.
Nhóm phóng viên