Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế

Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế
3 ngày trướcBài gốc
Trong hội thảo vừa diễn ra cuối năm 2024 với chủ đề “Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương” được Hội Khoa học Lịch sử TP. Huế tổ chức, nhiều chuyên gia nhìn nhận, hướng đi Huế - đô thị di sản là sự lựa chọn đúng đắn, mở ra cơ hội rất lớn để phát triển, nhưng vẫn giữ vẫn bảo vệ được bản sắc riêng có.
TP. Huế trực thuộc Trung ương và là đô thị di sản đầu tiên của Việt Nam
Hội đủ các tiêu chí “đô thị di sản”
PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) khi bàn tới khái niệm “đô thị di sản” đã cho rằng, nó tương ứng khi được sử dụng với các thành phố sở hữu di sản đô thị đã được công nhận và rất gần với khái niệm “đô thị di sản” là “đô thị lịch sử”. Ở Việt Nam, thuật ngữ “đô thị di sản” hay “đô thị lịch sử” chưa có trong các văn bản pháp lý, do vậy cách hiểu về đô thị di sản chưa rõ ràng và thống nhất.
Ông Mạnh đã dẫn lại góc nhìn của GS.KTS Hoàng Đạo Kính rằng “đô thị di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy”.
Theo định nghĩa này, “đô thị di sản” khác hoàn toàn với “đô thị sở hữu di sản” bởi nó nhấn mạnh tính chỉnh thể phong phú của di sản vật thể và phi vật thể trong mối quan hệ không thể tách rời; cấu trúc di sản đô thị được bảo tồn toàn vẹn và tiếp nối qua các giai đoạn phát triển; có hệ thống di sản độc đáo tạo nên diện mạo đặc trưng của đô thị; có cảnh quan được tổ chức trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên; có giá trị lịch sử và văn hóa đô thị đặc sắc được bảo lưu và phát triển tiếp nối.
“Theo cách hiểu về khái niệm “đô thị di sản” như trên, Huế hoàn toàn đảm bảo các tiêu chí, điều kiện để sở hữu là thành phố đô thị di sản”, ông Mạnh nhận định. Theo cách nhìn của ông Mạnh, chỉnh thể phong phú của di sản vật thể và phi vật thể của TP. Huế bao gồm: di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đô thị, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đồng bằng ven đô, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đầm phá, ven biển, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng miền núi.
Bản sắc đô thị di sản được định hướng rõ nét
Bàn về quy hoạch đô thị di sản Huế, TS.KTS Phạm Mạnh Hùng (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) đô thị Huế sau năm 2025 được quy hoạch theo mô hình “chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”. Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Qua đó, có thể thấy việc tổ chức không gian đô thị trong tương lai và các bước triển khai thực hiện xây dựng và phát triển đô thị theo dạng chuỗi và sự kết nối các trung tâm động lực tạo thành một mạng lưới đồng bộ hỗ trợ cho khu vực trung tâm. Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành hạt nhân, động lực trong chiến lược phát triển đô thị di sản Huế; phát huy giá trị văn hóa gắn với giáo dục truyền thống, phát huy bản sắc dân tộc trên cơ sở dựa vào cộng đồng, gắn kết và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Du khách nước ngoài tham quan hệ thống di sản bên trong Hoàng cung Huế
Ngoài ra, Quần thể di tích cố đô Huế được định hướng một cách rõ rệt theo 5 phân vùng chức năng: khu vực các di tích thuộc di sản UNESCO; khu vực tái tạo di sản và tương tác phát triển; khu vực công viên quốc gia; khu vực cảnh quan văn hóa sông Hương và các chi lưu; khu vực đón tiếp và khu vực trung tâm. Hệ thống đường vành đai bao quanh trung tâm đô thị Huế, kết nối các hành lang kinh tế và trung tâm hành chính và ôm gọn khu vực Kinh thành Huế và trung phần sông Hương tạo ra một cấu trúc đô thị có lõi di sản rõ rệt. “Như vậy, có thể thấy bản sắc của một đô thị di sản được định hướng rõ nét, có khả năng kết nối từ trung tâm, nơi tập trung phần lớn di sản giá trị của quần thể di tích Cố đô, và từ đó lan tỏa rộng ra trên toàn địa bàn TP. Huế”, TS.KTS Phạm Mạnh Hùng nhận định. Và vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong một đô thị, yếu tố con người là quan trọng nhất.
Xây dựng và phát triển đô thị cần lấy con người làm trọng tâm, cốt lõi để từ đó hình thành nên cấu trúc không gian và định hướng phát triển xoay quanh giá trị của con người, dựa vào người dân và đem lại quyền lợi cho cộng đồng, nâng cao đời sống cây dựng và phát triển đô thị cần lấy con người làm trọng tâm, cốt lõi để từ đó hình thành nên cấu trúc không gian và định hướng phát triển xoay quanh giá trị của con người, dựa vào người dân và đem lại quyền lợi cho cộng đồng, nâng cao đời sống con người.
Giá trị cảnh quan là nguồn tài nguyên văn hóa của đô thị Huế
TS. Huỳnh Thị Anh Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã nhấn mạnh vai trò của giá trị cảnh quan đối với đô thị di sản Huế. Có thể nói cảnh quan của Huế cũng chính nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc, phản ánh sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên. Sự tương tác này là một quá trình lâu dài từ trong lịch sử, thể hiện sự thích ứng của con người với điều kiện tự nhiên.
Cảnh quan đôi bờ sông Hương có vai trò quan trọng trong đối với đô thị di sản Huế
Vì thế, cảnh quan là những thành tố quan trọng cấu thành nên đô thị Huế ngày nay mà cốt lõi là Quần thể di tích cố đô Huế với những giá trị nổi bật toàn cầu đã được thế giới công nhận.
Do vậy, để gìn giữ và phát huy tốt những tiềm năng văn hóa này theo TS. Vân, cần có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc và toàn diện về ý nghĩa và giá trị của nguồn tài nguyên từ góc độ cảnh quan văn hóa - cảnh quan đô thị lịch sử của Huế.
Bên cạnh đó, những đặc điểm về kiến trúc cảnh quan trên một phạm vi rộng của Huế cũng cần một hành lang pháp lý phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế song song với việc bảo tồn cảnh quan thông qua việc xác định những không gian văn hóa - sáng tạo phù hợp với từng khu vực, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò chủ thể của người dân địa phương, gắn mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu bảo tồn những giá trị văn hóa - lịch sử của di sản nhằm đảm bảo sự phát triển vẫn được tiếp diễn trong tầm kiểm soát và mang tính bền vững cho các thế hệ tương lai.
NHẬT MINH
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/do-thi-di-san-va-huong-di-rieng-co-cua-hue-149604.html