Đô thị Hà Nội sẽ ngày càng văn minh, hiện đại

Đô thị Hà Nội sẽ ngày càng văn minh, hiện đại
6 giờ trướcBài gốc
Đây là ý kiến của TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn.
Hà Nội đi đầu cả nước về quản lý kiến trúc
Thưa ông, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội. Xin ông cho biết, ý nghĩa, vai trò của quy chế này đối với Thủ đô?
- Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội được lập theo quy định tại Luật Kiến trúc và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc”, có thể coi đây là bước đi mới. Trước đây, chúng ta quản lý quy hoạch và kiến trúc mang tính tổng quát. Quy chế quản lý kiến trúc lần này đi thẳng vào vấn đề liên quan đến kiến trúc của vùng đô thị và nông thôn để phát triển vừa có bản sắc, vừa hiện đại về mặt kiến trúc; đồng thời có khả năng phát triển bền vững theo các hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn đã được phê duyệt.
Với Hà Nội, Quy chế quản lý kiến trúc vô cùng quan trọng, là bước cụ thể hóa chế tài để quản lý cho phát triển đô thị, nông thôn của Hà Nội sau khi Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Do vậy, Hà Nội ban hành Quy chế quản lý kiến trúc là rất kịp thời, tạo nền tảng để Hà Nội phát triển theo mục tiêu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Quy chế quản lý kiến trúc có vai trò gợi mở, định hướng cho phát triển các vùng kiến trúc về mặt không gian đô thị, thiết kế đô thị, cảnh quản đô thị và công trình kiến trúc cụ thể, trong đó có các hệ thống di sản văn hóa đã hiện hữu, gắn với những công trình mới một cách hài hòa, thống nhất. Như vậy, Quy chế quản lý kiến trúc đưa ra quy trình, hướng dẫn điều phối, để đô thị Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại hơn.
Chúng tôi đánh giá, quy chế này được lập đáp ứng các yếu tố như: đúng quy định của pháp luật; ban hành kịp thời với cách làm cẩn trọng, qua các bước xem xét, phê duyệt, xin ý kiến, thẩm định… chặt chẽ, đầy đủ. Có thể thấy, Hà Nội đi đầu cả nước về việc quản lý kiến trúc.
Quy chế nêu rõ việc tổ chức kiến trúc đô thị hài hòa về phong cách kiến trúc, chiều cao, khoảng lùi, chi tiết, màu sắc, chất liệu của các công trình và nhà ở riêng lẻ trên các tuyến phố; khuyến khích nhập các thửa đất nhỏ thành lô đất lớn hơn… Theo ông, để triển khai thuận lợi, các quận, huyện cần lưu ý những điểm gì?
- Quy chế Quản lý kiến trúc là chủ trương, chính sách chung của Nhà nước đến TP. Theo đó, để TP Hà Nội phát triển hiện đại phải có một số mô thức nhất định. Những nội dung như nêu trên tạo ra một thói quen mới, cách làm, tiếp cận vấn đề mới để giải quyết. Quyền lợi của những người có thửa đất như vậy (nhỏ) khi gom lại, xây dựng ở một tầng cao nhất định sẽ đặt ra bài toán kinh tế mới. Từ đó giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân với tập thể và tương lai phát triển bền vững của TP…
Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Thanh Hải
Trong quy chế có nhiều nội dung tôi cho rằng có tính cách mạng, nhưng dựa trên cơ sở khoa học, nếu thực hiện được sẽ cho thấy sự tiến bộ trong xây dựng, quản lý đô thị phát triển bền vững. Mặt khác, trong Quy chế quản lý kiến trúc này có những quy định đến tận vùng, quận, huyện. Các quận, huyện căn cứ vào nội dung đó để triển khai.
Khi quản lý đầu tư xây dựng nếu phát triển quy hoạch vùng quận, huyện; phát triển đô thị, nông thôn, hình thái kiến trúc; đầu tư công, đầu tư cộng đồng, chúng ta có cơ hội để áp dụng quy chế này. Khi áp dụng, chúng ta cần chế tài thông suốt từ TP tới quận, huyện theo hệ thống sở, ngành cấp TP đến phòng, ban thuộc quận, huyện. Đồng thời, TP Hà Nội cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cộng đồng để thực hiện kịp thời.
Tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện
Quá trình thực hiện quy chế sẽ có những thuận lợi và điểm lưu ý gì thưa ông?
- Trong quá trình thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc sẽ có một số vấn đề: Thứ nhất, đối tượng tham gia phát triển kiến trúc TP từ cộng đồng người dân đến các chính thể, chương trình phát triển kiến trúc của các nhà đầu tư, DN sẽ có những điều phải tuân thủ để bảo đảm yếu tố chặt chẽ, hài hòa trong tổng thế kiến trúc chung. Vì vậy sẽ có những vấn đề họ cảm thấy tương đối khó khăn, không dễ thực hiện. Nhưng nếu chúng ta quyết tâm, vượt qua và thực hiện bài bản thì thấy rằng, đây không phải bài toán gây khó dễ.
Thứ hai, quá trình vận hành chắc chắn sẽ bộc lộ những điểm bất cập. Bởi, tất cả quy định khi áp dụng đều nảy sinh những vấn đề trong thực tiễn, không như tính toán trong quá trình khảo sát, tổng hợp từ quá khứ. Chúng tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới để quy chế hoàn thiện tốt hơn.
Thứ ba, các chương trình phát triển mới, nhất là của DN, họ cần sự tuân thủ, đôi khi làm cho lợi ích của họ bị ảnh hưởng, nhất là về mật độ, tầng cao xây dựng, hệ số sử dụng đất… Nếu chúng ta lập được trật tự theo Quy chế quản lý kiến trúc, sự phát triển đáp ứng yếu tốt, bền vững như Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị, chúng tôi cho rằng kiến trúc TP sẽ tốt hơn. Đơn cử, các vùng nông thôn đang có nguy cơ phát triển không bài bản thì với Quy chế quản lý kiến trúc này, nếu chúng ta quản lý tốt, vùng nông thôn sẽ phát triển ổn định, có kiểm soát. Tóm lại, Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý kiến trúc kịp thời, hi vọng việc thực hiện sẽ được vận hành bài bản, nghiêm túc, vẫn có yếu tố linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Cả nước đang bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Hà Nội với những chế tài cụ thể như Quy chế Quản lý kiến trúc và những quy hoạch đã được phê duyệt, cùng với quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, chúng tôi cho rằng là sự hội tụ để tương lai Hà Nội có thể “cất cánh” một cách thuận lợi.
Như ông đã chia sẻ, nhiều TP trên thế giới có các quy chế quản lý về kiến trúc và phát huy hiệu quả? Xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế?
- Tôi là Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy chế quản lý kiến trúc. Trước đây, tôi đã đọc nhiều quy chế của các nước trên thế giới như tại Paris (Pháp), Australia, Singapore, Bắc Kinh,… Đây là việc làm chúng ta học tập thế giới để triển khai nhưng không máy móc, khiên cưỡng mà phù hợp với đặc thù của Hà Nội. Tôi cho rằng, trong quá trình triển khai khi phát sinh bất cập, chúng ta cần bình tĩnh để xem xét vấn đề thấu đáo, có phương pháp giải quyết hài hòa, đáp ứng sự tiến bộ, đổi mới một cách bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Lại Tấn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/do-thi-ha-noi-se-ngay-cang-van-minh-hien-dai.html