Thành phố Hồ Chí Minh và Long Thành sẽ kết nối tạo nên khu vực cạnh tranh toàn cầu, trong đó lấy Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành làm trung tâm.
Ý tưởng về mô hình thành phố song sinh Thành phố Hồ Chí Minh và Long Thành Aerotropolis là ý tưởng chủ đạo của phương án đã được Hội đồng thi tuyển “Ý tưởng quy hoạch chung đô thị Sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai và vùng phụ cận” chấm giải nhất.
Phối cảnh mô hình đô thị Long Thành Aerotropolis. Ảnh: đơn vị tư vấn cung cấp.
Sở Xây dựng đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả cuộc thi tuyển “Ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận”.
Theo đó, Hội đồng thi tuyển đã chọn phương án của liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia - Công ty Nihon Sekkei, Inc (Nhật Bản) - Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco (liên danh VIAR-NS-Coninco) đoạt giải nhất với điểm trung bình 82,38.
Quy hoạch tổng thể khu đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận bao gồm hơn 57 ngàn hécta, trải rộng trên 3 huyện Long Thành, Thống Nhất và Cẩm Mỹ. Trong đó, khu vực đô thị Sân bay Long Thành chiếm diện tích lớn nhất, hơn 43 ngàn hécta, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, trong đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đô thị Sân bay Long Thành và khu vực ven sông Đồng Nai sẽ là những vùng động lực phát triển của tỉnh.
Sân bay Long Thành sẽ là trung tâm của mô hình đô thị song sinh. Ảnh: Phạm Tùng
Với vai trò quan trọng đó, trong phương án của mình, liên danh VIAR-NS-Coninco đã định hướng phát triển mô hình đô thị Aerotropolis.
Theo liên danh VIAR-NS-Coninco, Aerotropolis là một mô hình phát triển đô thị mang tính chuyển mình, đặt sân bay làm trung tâm phát triển kinh tế. Khác với các hình thức đô thị truyền thống, Aerotropolis tận dụng sự kết nối, logistics và công nghiệp để tạo ra các trung tâm đô thị phát triển mạnh mẽ, mở rộng ra ngoài phạm vi sân bay. “Kế hoạch tổng thể Long Thành Aerotropolis xác định Sân bay Long Thành là trung tâm của một tầm nhìn chuyển mình khu vực, kết nối và bổ sung hoàn hảo cho các khu vực đô thị xung quanh”, thạc sỹ Phan Thị An, thành viên trong liên danh VIAR-NS-Coninco chia sẻ.
Với vị trí chiến lược của đô thị Long Thành, Aerotropolis này hòa nhập vào một mạng lưới đô thị năng động với Biên Hòa về phía Tây Bắc là cộng đồng dân cư, Long Khánh về phía Đông Bắc chuyên về nông nghiệp và du lịch sinh thái và Bà Rịa, Nhơn Trạch về phía Nam là các trung tâm công nghiệp và logistics. Hành lang công nghệ cao đang nổi lên tại thành phố Thủ Đức kết nối Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực, cách đó 30 km về phía Tây.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê, đại diện liên danh VIAR-NS-Coninco cho hay, đi xa hơn mô hình “thành phố sân bay” hạn chế, kế hoạch này áp dụng cách tiếp cận “Aerotropolis” rộng lớn. Khái niệm Aerotropolis mở rộng vai trò của sân bay vượt ra ngoài vận tải, biến nó thành động lực trung tâm của tăng trưởng kinh tế khu vực và phát triển đô thị. Bằng cách xác định Long Thành là một nút quan trọng trong mạng lưới khu vực, kế hoạch tổng thể thiết lập sân bay như một yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững, sức cạnh tranh toàn cầu và kết nối.
Phối cảnh khu vực trọng đểm CBD của đô thị Sân bay Long Thành. Ảnh: đơn vị tư vấn cung cấp.
Theo liên danh đơn vị tư vấn, đối với khu vực bên trong của đô thị Long Thành Aerotropolis, phương án quy hoạch tập trung vào 5 khu vực chính, được thiết kế xoay quanh các yếu tố xanh và bền vững.
Trong đó, khu CBD (Central Business District là khu vực tập trung cao độ các hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ và hành chính của một đô thị) ven mặt nước là khu vực lõi đô thị của Sân bay Long Thành. Đây là một thành phố trung tâm nội địa cho các khu công nghiệp chính của Nhơn Trạch và Đồng Nai, với mục tiêu trở thành một thành phố ven sông phát triển mạnh mẽ với quy hoạch TOD. Khu vực này được thiết kế để kết nối cảnh quan nước với biển Đông, đồng thời gắn liền với môi trường sinh thái từ khu sinh quyển thế giới Cần Giờ.
Khu phức hợp văn hóa đóng vai trò là không gian liên kết giữa khu CBD và chuỗi không gian đổi mới sáng tạo công nghệ cao, nơi tập trung nghiên cứu và phát triển. Khu vực này được thiết kế như một khu văn hóa mới, nơi các tầng lớp xã hội khác nhau hội tụ, kết hợp giữa khu vực thành phố hiện hữu, các khu công nghệ mới và các cộng đồng mới. Nó nằm tại giao điểm của khu đô thị hiện hữu dọc theo quốc lộ, hành lang đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Đức và khu vực cộng đồng mới. Các công năng chính của khu vực này bao gồm các trung tâm văn hóa, bảo tàng, hội trường biểu diễn và khu vực kinh doanh đổi mới sáng tạo, đồng thời tồn tại song song với các chức năng thương mại hiện hữu.
Khu CBD ven mặt nước là khu vực lõi đô thị của Sân bay Long Thành. Ảnh phối cảnh do đơn vị tư vấn cung cấp.
Tổ hợp hành chính mới là một phần của chiến lược chuyển đổi từ các khu công nghiệp hiện hữu, nhằm hình thành không gian đô thị hành chính hiện đại cho thành phố Long Thành. Khu vực này cũng kết nối với chuỗi đô thị đổi mới sáng tạo Thành phố Thủ Đức, tạo nên điểm nhấn thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho Long Thành.
Ở phía Tây Bắc sẽ được quy hoạch thành thành phố ý tế và sức khỏe. Đây là một không gian phát triển hài hòa với thiên nhiên, kết hợp giữa môi trường sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và không gian sống chất lượng.
Đồng thời, khu nghỉ dưỡng ven hồ dựa trên cảnh quan tự nhiên từ hồ Suối Quýt và hồ Bàu Cạn được phát triển thành điểm đến du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp, đi kèm với tổ hợp nhà ở chất lượng cao. Mục tiêu của khu vực này là tạo ra một khu vực “Longtan Sentosa” mới, kết hợp các khu nghỉ dưỡng, sòng bạc, làng nghệ sĩ và khu vực bảo tàng.
Bên cạnh đó, ý tưởng quy hoạch cũng đề xuất một khu đô thị phát triển logictics tập trung.
Để củng cố thế mạnh cho nhau cũng như tạo ra một khu vực liên kết và cạnh tranh toàn cầu, trong phương án quy hoạch của mình, liên danh VIAR-NS-Coninco xây dựng mô hình đô thị song sinh cho tầm nhìn tương lai. “Tại trung tâm của tầm nhìn Long Thành Aerotropolis là khái niệm “thành phố song sinh”, một khuôn khổ chiến lược hình dung Long Thành Aerotropolis và Thành phố Hồ Chí Minh như những trung tâm đô thị bổ sung và kết nối với nhau”, thạc sỹ Phan Thị An cho biết.
Theo bà An, mô hình này tận dụng những đặc điểm và thế mạnh riêng biệt của mỗi thành phố để tạo ra một hệ sinh thái đô thị thống nhất, cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế đô thị được đặc trưng bởi cảnh quan đô thị dày đặc, những tòa nhà chọc trời nổi bật, kiến trúc lịch sử và văn hóa sôi động. Đây cũng là động lực kinh tế của khu vực, thành phố nổi trội trong các lĩnh vực như khả năng tiếp cận, kinh tế và chất lượng sống. Tuy nhiên, những thách thức như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, thiếu ngành công nghiệp nghiên cứu, phát triển và chất lượng môi trường hạn chế đang cản trở sự phát triển bền vững của thành phố.
Công nhân thi công công trình nhà ga hành khách Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: Phạm Tùng
Trong khi đó, Long Thành Aerotropolis được hình dung như một môi trường đô thị tích hợp thiên nhiên và hướng tới tương lai. Được thiết kế để phát triển bền vững và đổi mới, Long Thành sẽ ưu tiên các ngành công nghiệp của tương lai, khả năng tiếp cận vượt trội và lối sống đô thị tập trung vào sức khỏe.
Aerotropolis sẽ là yếu tố cân bằng tự nhiên với đặc trưng đô thị dày đặc và lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh, mang đến: Khả năng tiếp cận và di chuyển nâng cao, đảm bảo kết nối khu vực liền mạch Môi trường sạch sẽ và bền vững, tận dụng cơ sở hạ tầng xanh và thực hành bền vững Thiết kế sống được, tập trung vào con người, thúc đẩy sức khỏe và sự thịnh vượng.
Phối cảnh khu vực tổ hợp hành chính mới của đô thị Sân bay Long Thành. Ảnh: đơn vị tư vấn cung cấp.
Theo đơn vị tư vấn, với những đặc trưng trên của 2 đô thị, mô hình đô thị song sinh sẽ tích hợp chiến lược để tăng trưởng cân bằng. Trong đó, cả hai thành phố củng cố thế mạnh của nhau trong khi giải quyết những thách thức chung. Sự năng động kinh tế và chiều sâu văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được bổ sung bởi thiết kế đô thị hướng tới tương lai và tính bền vững của Long Thành. Cùng nhau, sẽ tạo ra hình ảnh của một khu vực liên kết và cạnh tranh toàn cầu.
“Quan hệ đối tác này sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho sự phát triển đô thị toàn cầu. Cùng nhau, hai thành phố này không chỉ thay đổi cảnh quan khu vực mà còn tạo ra di sản lâu dài của sự tăng trưởng cân bằng và bền vững cho các thế hệ tương lai của Việt Nam với Long Thành Aerotropolis đóng vai trò là cánh cổng dẫn vào tương lai của Việt Nam - một trung tâm đổi mới, kết nối và phát triển bền vững”, Thạc sỹ Phan Thị An chia sẻ thêm.