Đoàn Bắc Giang tham gia thảo luận ở tổ về lĩnh vực kinh tế - xã hội

Đoàn Bắc Giang tham gia thảo luận ở tổ về lĩnh vực kinh tế - xã hội
3 giờ trướcBài gốc
Dưới sự chủ trì của đại biểu Thái Thanh Quý, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, tổ số 3 (gồm đoàn ĐBQH các tỉnh: Nghệ An, Bắc Giang và Quảng Ngãi) đã tiến hành thảo luận. Dự phiên thảo luận có đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) phát biểu thảo luận tại tổ.
Tại đây đã có 17 lượt đại biểu góp ý vào nhiều nội dung trong các báo cáo do Chính phủ trình. Các đại biểu đều bày tỏ sự thống nhất với nhận định 9 tháng năm 2024, tình hình chính trị - xã hội, nền tảng kinh tế vĩ mô nước ta được giữ ổn định. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý và cả năm; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm giúp củng cố, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. An sinh xã hội, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được quan tâm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng lên nhờ thành quả của hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, mở ra thời cơ, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới.
Nêu ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) bổ sung một số hạn chế trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; chậm sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng còn có sự chênh lệch lớn các vùng miền, trong đó vùng Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thấp nhất; có 9 tiêu chí phải cố gắng mới có thể hoàn thành, đây cũng là những tiêu chí đạt thấp theo vùng, miền như tiêu chí số 2 về giao thông ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc mới có 64,4,8% số xã đạt tiêu chí giao thông; tiêu chí số 5 về trường học thì vùng Trung du miền núi phía Bắc và một số địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có kết quả thấp.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, ngoài các giải pháp đã nêu, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, phân công trách nhiệm, kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương; có giải pháp khắc phục tình trạng giải ngân các nguồn vốn chậm ở cả Trung ương và địa phương, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, đồng thời đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội để rút ra những bài học và có những đề xuất cụ thể trong trường hợp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho giai đoạn sau.
Cùng góp ý vào báo cáo đánh gia kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang ) đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024. GDP 9 tháng ước đạt 6,2 %, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát giúp chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng ở mức 3,8 % và ước cả năm là 4,5 %, đạt mục tiêu quốc gia, mục tiêu Quốc hội đề ra. Từ tháng 7/2024, chúng ta thực hiện việc nâng lương với tỷ lệ khoảng 30% nhưng giá cả không tăng và kiểm soát được lạm phát.
Qua đây, đại biểu Nguyễn Văn Thi đánh giá cao việc thực hiện các chỉ tiêu, đã có 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó đạt được chỉ tiêu về tăng năng suất lao động là rất quan trọng, đây là chỉ tiêu mà trong 3 năm qua chúng ta đều không đạt, chỉ tiêu này phản ánh các yếu tố như đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, trình độ, năng lực làm việc của người lao động, hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học, hoạt động đổi mới sáng tạo đã có sự thay đổi. Đây là dấu hiệu rất tốt của nền kinh tế, thể hiện việc chuyển hướng tích cực từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, giảm việc thâm dụng vốn, thâm dụng lao động, tài nguyên đất đai và năng lượng.
Góp ý kiến vào tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cơ bản nhất trí về sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB với lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu cho rằng việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại VCB sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và hướng tới chuẩn mực quốc tế, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, mở rộng hoạt động tín dụng, trong đó có các dự án quan trọng của quốc gia có nhu cầu vốn lớn.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý phần lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023 theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường năng lực tài chính cho VCB, bảo đảm an toàn hoạt động; cần đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với hiệu quả của việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại VCB và vấn đề bảo toàn vốn của VCB.
Tiến Hòa
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/doan-bac-giang-tham-gia-thao-luan-o-to-ve-linh-vuc-kinh-te-xa-hoi-181119.bbg