Tại Hội nghị Thông tin báo chí thường kỳ, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường cho biết đoàn Giám sát phản hồi của Trung tâm Di sản Thế giới và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới được Việt Nam mời đến theo khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Quang cảnh vịnh Hạ Long. Ảnh: TL
Trước đó, trong Nghị quyết 46 được thông qua hồi tháng 7 tại New Delhi của UNESCO, các chuyên gia của cơ quan này quan ngại nhiều vấn đề như ranh giới di sản, môi trường, rác thải tại vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, quần thể được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào tháng 9/2023.
Theo ông Cường, một trong những vấn đề được UNESCO nhắc đi nhắc lại, không chỉ trong Nghị quyết 46 mà cả trước đó là các dự án du lịch, phát triển đô thị ven bờ vịnh Hạ Long đã được đánh giá hay chưa.
Trước đó, Việt Nam đã có báo cáo về ảnh hưởng đến vùng đệm vịnh của 8 dự án và UNESCO đề nghị cần làm rõ cái nào đã hoạt động, cái nào đang triển khai. Ban Quản lý và các bên đang xây dựng báo cáo.
Trong khuôn khổ giám sát này, Trung tâm Di sản thế giới và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thực hiện một đợt kiểm tra định kỳ đối với vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà vào tháng 3/2025. Chuyến công tác này nhằm đánh giá công tác quản lý, bảo tồn và ranh giới di sản, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để bảo vệ di sản một cách bền vững.
Để chuẩn bị cho đợt giám sát này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các cơ quan liên quan. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện trách nhiệm trong việc bảo tồn Di sản Thiên nhiên Thế giới mà còn khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc duy trì giá trị nổi bật toàn cầu của vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.
Đối với những quan ngại của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO với vịnh Hạ Long, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết ở nhiều cuộc họp, Ủy ban Di sản thế giới đều có ý kiến về các công trình xây dựng ven bờ vịnh Hạ Long tại TP Hạ Long có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan của di sản.
Về vấn đề này, hiện Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang phối hợp với các đơn vị liên quan làm báo cáo trình UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, các công trình đó đều phù hợp với các quy hoạch và đảm bảo các quy trình, thủ tục, đồng thời tạo điểm nhấn không gian bên bờ vịnh, tạo thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn cho du khách.
Đối với vấn đề ô nhiễm vùng nước ven bờ vịnh Hạ Long, ông Cường cho biết theo báo cáo, hiện khoảng 60% nước thải đã được xử lý trước khi đổ ra vịnh. Trước đó, tỉnh Quảng Ninh trông chờ vào dự án vay vốn ODA để xây dựng hệ thống xử lý toàn bộ nước thải ven bờ nhưng vướng nhiều thủ tục nên hiện đang chuyển hướng sang sử dụng nguồn ngân sách tỉnh.
Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, có diện tích hơn 1.500 km2 với gần 2.000 đảo lớn nhỏ. Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới từ năm 1994 với tiêu chí về vẻ đẹp cảnh quan và được công nhận lần thứ hai với tiêu chí về giá trị địa chất năm 2000. Tháng 9/2023, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Khu vực thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Minh Châu