Chiều 1-4, Đoàn cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam đã đưa được thi thể một nam thanh niên 17 tuổi ra khỏi đống đổ nát tại khu bệnh viện với 1.000 giường ở thị trấn Zabuthiri, thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Đây là nạn nhân thứ hai mà đoàn tìm thấy tại khu vực này trong ngày 1-4. Trước đó, đoàn đã đưa thi thể một bé trai 14 tuổi ra và bàn giao cho chính quyền sở tại.
Cũng tại Naypyidaw, vào lúc 10 giờ 40 phút sáng cùng ngày (giờ địa phương), lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đưa được thi thể một nạn nhân ra khỏi một tòa nhà bị sập. Chị Meme Cho, con gái nạn nhân, cho biết cha mình tên là U Maung Tin, 74 tuổi. Tòa nhà nơi cụ sinh sống là tòa nhà 2386, thuộc khu vực Bala Tidi, quận Zabu Thiri, ngoài gia đình cụ còn 3 gia đình khác. Khi động đất xảy ra, trong nhà có cụ ông, cụ bà cùng một cháu nhỏ; các con của cụ đều đi làm. Cháu nhỏ cũng bị mắc kẹt và may mắn được giải cứu dù bị mất một chân.
Thi thể một nạn nhân được Đoàn cứu hộ Bộ Quốc phòng đưa ra ngoài hôm 1-4 ở thủ đô Naypyidaw Ảnh: NAM HÙNG
Tại hiện trường, những khu nhà này bị sập tầng 1, toàn bộ sức nặng của 3 tầng trên dồn xuống, chính vì vậy phải rất khéo léo sử dụng các công cụ cầm tay để bốc, gỡ từng khối bê-tông, tránh gây nguy hiểm cho cả lực lượng cứu hộ lẫn các nạn nhân. Lực lượng cứu hộ Việt Nam đã sử dụng chó nghiệp vụ, radar xuyên tường và các thiết bị tìm kiếm bằng hình ảnh để xác định chính xác vị trí cụ ông thiệt mạng. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết công tác cứu hộ diễn ra từ sáng sớm song gặp nhiều khó khăn bởi các thiết bị banh tách, khoan cắt bê-tông dễ khiến công trình sụp đổ thêm. Cuối cùng, với sự nỗ lực và quyết tâm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã đưa được thi thể cụ ông ra ngoài sau 4 giờ và bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Con trai cụ U Maung Tin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đoàn Việt Nam: "Tôi đã nghĩ là không thể đưa được cha tôi ra ngoài, vậy mà các bạn làm được. Tôi xúc động không biết nói gì hơn. Xin cảm ơn các bạn rất nhiều".
Bà Ohn Mar Swe, Vụ Quản lý thiên tai, Bộ Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar, chia sẻ: "Người thân của chúng tôi cũng là bộ đội. Hôm nay nhìn thấy đoàn công tác của bộ đội Việt Nam sang cứu hộ, tinh thần làm việc rất khẩn trương, vừa đến đã bắt tay làm ngay đến tận đêm khuya. Các bạn đã làm ấm lòng người dân Myanmar nói chung và khu dân cư chúng tôi ở đây nói riêng". Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ khẳng định lực lượng cứu hộ Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình. Bằng tình cảm và trách nhiệm của dân tộc, nhân dân hai nước, đoàn cứu hộ sẽ tìm kiếm nạn nhân "như người thân của mình".
Bên cạnh đó, đại tá Nguyễn Minh Khương, Trưởng đoàn công tác cứu hộ của Bộ Công an, đã trao 3 tấn thuốc và thiết bị y tế cho ông Sa Weli Frag, Vụ trưởng Vụ quản lý thiên tai, Bộ Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar, với mong muốn hỗ trợ y tế cho nước bạn vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông Sa Weli Frag bày tỏ sự cảm ơn chân thành, đồng thời khẳng định sẽ chuyển ngay cho Bộ Y tế Myanmar để trao trực tiếp đến những địa bàn đang khan hiếm thuốc và vật tư y tế.
Cơ hội sống sót giảm dần
Các nhóm cứu trợ tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Myanmar cho biết nhu cầu về nơi trú ẩn, thực phẩm và nước sạch là rất cấp thiết sau khi trận động đất khiến hơn 2.700 người thiệt mạng.
Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing hôm 1-4 cho hay số người chết có thể vượt quá 3.000 người. Ông cho biết hơn 4.500 người bị thương và hơn 400 người mất tích. Số thương vong có nguy cơ tăng đáng kể khi lực lượng cứu hộ tiếp cận các thị trấn và làng mạc, nơi liên lạc bị cắt đứt những ngày qua. Theo đài CNN, 72 giờ đầu tiên sau trận động đất được xem là thời gian "vàng" để tiếp cận các nạn nhân bị chôn sống dưới đống đổ nát. Sau thời gian đó, cơ hội sống sót khi không có nguồn nước sẽ giảm nhanh chóng.
Các chuyên gia lo ngại cần nhiều tuần mới có thể công bố được chính xác số người thiệt mạng. Bà Marie Manrique, điều phối viên của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tại Myanmar, cho biết mức độ tàn phá của trận động đất gây ra cho Myanmar là chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ ở châu Á. Theo bà, cơ hội tiếp cận những người còn sống bị mắc kẹt dưới đống đổ nát là "rất thấp".
Bốn ngày sau trận động đất, nhiều người dân Myanmar vẫn ngủ ngoài trời, không thể trở về nhà do đã mất nhà cửa hoặc sợ các cơn dư chấn tiếp theo. Nỗi sợ dư chấn đã buộc bệnh viện đa khoa gồm 1.000 giường của TP Mandalay phải chuyển bệnh nhân vào bãi đậu xe, nơi họ nằm trên cáng y tế với chỉ một tấm bạt mỏng dựng lên phía trên để che chắn khỏi ánh nắng gay gắt.
Hơn 1.000 nhân viên cứu hộ nước ngoài đã đến Myanmar và theo truyền thông nhà nước Myanmar, gần 650 người đã được cứu sống khỏi các tòa nhà đổ nát. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một nhóm hỗ trợ từ Mỹ đã đến Myanmar sau khi nhận được yêu cầu chính thức từ chính quyền quân sự nước này.
Xuân Mai
NGUYỄN HƯỞNG - DƯƠNG NGỌC