Đoàn Đại biểu Quốc hội thảo luận Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên

Đoàn Đại biểu Quốc hội thảo luận Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên
13 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang, làm Tổ trưởng Tổ 17 điều hành phiên họp gồm các tỉnh Tiền Giang, Gia Lai và Cao Bằng.
Điều hành thảo luận tại tổ, trên cơ sở các nội dung được trình tại phiên thảo luận tổ, đồng chí Nguyễn Văn Danh đề nghị các đại biểu tập trung bám sát các Tờ trình, báo cáo của các Ủy ban chủ trì thẩm tra để cho ý kiến đóng góp các nội dung nếu thấy chưa rõ, cần quy định cụ thể hơn hoặc có ý kiến kiến nghị, đề xuất thêm giải pháp thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Cho ý kiến đối với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, tại phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt được tăng trưởng hai con số, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Các đại biểu đánh giá, năm 2024, nền kinh tế nước ta tiếp tục khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Cùng với đó, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra; tăng trưởng GDP ước đạt 7,09%; quy mô GDP đứng thứ 33 thế giới ( tăng 02 bậc so với năm 2023); GDP bình quân đầu người tiến sát vào nhóm các nước thu nhập cao.
Các chỉ tiêu về năng suất lao động, doanh nghiệp, phát triển văn hóa, an sinh xã hội, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp,... đều đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước đã báo cáo Trung ương và Quốc hội. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách, giải pháp điều hành được nâng lên giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các đại biểu nhấn mạnh, đây là nền tảng, động lực quan trọng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025 để thực hiện các mục tiêu của đề án và tin tưởng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và thách thức, đặc biệt là vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, thể chế và pháp luật. Các đại biểu ủng hộ mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên năm 2025, nhưng đề nghị cần có giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc để tạo nguồn lực thực hiện mục tiêu này. Một số đại biểu cũng đề xuất ưu tiên bố trí nguồn tăng thu vượt chi cho đầu tư công trọng điểm và đảm bảo an sinh xã hội...
Quang cảnh thảo luận tại tổ.
Đối với chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Văn Danh cho rằng, Tờ trình của Chính phủ cũng như là Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rõ về sự cần thiết để ban hành chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đó là tuyến giao thông huyết mạch ở phía Bắc có vai trò kết nối nội địa và cả Trung Quốc. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, hành khách là rất cao, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu qua cảng của Hải Phòng và việc đầu tư tuyến đường này giảm tải đường bộ, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, có những vấn đề cần nghiên cứu làm rõ hơn như: Sự phù hợp của dự án với quy hoạch sử dụng đất của quốc gia ở thời kỳ năm 2021 - 2030 cho đến tầm nhìn 2050 và việc phân bổ khoanh vùng đất đai cho dự án, các quy hoạch tỉnh của địa phương có dự án đi qua. Đồng thời, đề nghị trong các bước nghiên cứu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn một phương án tối ưu nhất để đảm bảo việc kết nối của dự án với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị rồi hệ thống giao thông khác và giảm thiểu tác động tiêu cực do thu hồi đất phục vụ dự án. Đồng thời, đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt, dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành khai thác của các dự án để giảm thiểu rủi ro một cách tổ chức. Ngoài ra, đề nghị trong quá trình triển khai thực hiện thì cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo các cân đối từ vĩ mô và an toàn nợ công của quốc gia.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến góp ý thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
THU HOÀI - MINH TRÍ
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/chinh-tri/202502/doan-dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-de-an-bo-sung-ve-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2025-voi-muc-tieu-tang-truong-dat-8-tro-len-1034368/