Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Giang, Đồng Tháp và Khánh Hòa tham gia thảo luận tại Tổ số 14, do đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chủ trì. Qua nghiên cứu tờ trình, báo cáo thẩm tra và các dự án luật, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết xây dựng, sửa đổi bổ sung các Luật, Nghị quyết này.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi thảo luận tại tổ.
Góp ý vào dự án Luật MTTQ Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) nêu: Tại khoản 1, Điều 32 của dự thảo Luật quy định: Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (sau đây gọi chung là văn bản) của cơ quan nhà nước.
Theo đại biểu, quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Hoạt động phản biện xã hội nhằm góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp thực tế đời sống xã hội và tính hiệu quả của văn bản; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Thông qua hoạt động phản biện để phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng phản biện là "các văn bản của Đảng". Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là lãnh đạo, vừa là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam. Việc MTTQ và các tổ chức thành viên phản biện đối với các văn bản của Đảng (như dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội; dự thảo Chương trình hành động, Báo cáo tổng kết các nghị quyết,...) vừa góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tế đời sống xã hội đối với các chủ trương của Đảng; vừa bảo đảm thực hiện việc nâng cao vai trò góp ý xây dựng Đảng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội theo tinh thần Quyết định số 217- QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị…
Do vậy, khoản 1, Điều 32 đề nghị sửa đổi thành: Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc thống nhất với các tổ chức thành viên nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (gọi chung là văn bản) của Đảng, cơ quan nhà nước.
Dương Nhung