Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Dấu ấn người đại biểu nhân dân

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Dấu ấn người đại biểu nhân dân
4 giờ trướcBài gốc
Tinh thần trách nhiệm cao
Năm 2024, mặc dù Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận có sự thay đổi về nhân sự Trưởng đoàn và giảm về số lượng so với năm 2023; mặt khác, khối lượng công việc phát sinh trong năm rất lớn, nhiều công việc đòi hỏi thực hiện trong điều kiện rất khẩn trương, quyết liệt, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của từng vị ĐBQH, cùng với sự đoàn kết, thống nhất cao của các đại biểu trong Đoàn, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh nhìn chung đã hoàn thành tốt các nội dung theo chương trình, kế hoạch đã ban hành, có nhiều đổi mới trong triển khai các hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đã kịp thời triển khai các nội dung chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH), các vị ĐBQH tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân tỉnh nhà.
Đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thảo luận tại tổ.
Trong đó nổi rõ, công tác xây dựng luật được các đại biểu tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo luật tại các kỳ họp của Quốc hội và các Hội nghị góp ý luật các Ủy ban của Quốc hội; tham gia đóng góp ý kiến cùng Quốc hội khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao của Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng tham gia góp ý các dự thảo Luật, từng bước đáp ứng theo yêu cầu đổi mới của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp tổ chức 4 hội nghị lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh; lấy ý kiến bằng văn bản về các dự án Luật và Nghị quyết trình tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, kỳ họp thường lệ lần thứ 7 và thứ 8, Quốc hội khóa XV. Qua đó, Đoàn đã kịp thời tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị gửi đến UBTVQH và Thường trực Ban soạn thảo theo đúng quy định; đồng thời, làm cơ sở cho Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý xây dựng luật tại các kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện hoàn thành 100% theo kế hoạch giám sát đã đề ra. Sau giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo UBTVQH và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhiều vấn đề nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật…
Tại các kỳ họp thường kỳ và kỳ họp bất thường của Quốc hội, ĐBQH tham dự đầy đủ, nghiêm túc. Các ĐBQH dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu kỹ báo cáo, đề án, dự án luật trình. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận có 5 ý kiến chất vấn đối với các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Qua đó, đại biểu thể hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội và các ý kiến chất vấn đều được người đứng đầu của bộ, ngành ở Trung ương trả lời kịp thời, khá thấu đáo.
“Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh hoàn thành tốt các nội dung theo chương trình, kế hoạch đề ra, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết, nhất trí và trách nhiệm cao đối với cử tri và nhân dân tỉnh nhà”.
Đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.
Nỗ lực, trách nhiệm, đoàn kết
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổng kết kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; đề ra, mục tiêu, nhiệm vụ, tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo; là năm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW, ngày 25/11/2024 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai tổng kết Nghị quyết 18, theo đó sẽ thực hiện ngay việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương. Chính vì vậy, khối lượng, tiến độ công việc của Đoàn ĐBQH sẽ rất lớn, yêu cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận và các vị ĐBQH phải hết sức nỗ lực, trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao.
Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận năm 2024.
Trọng tâm, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan góp ý đối với các dự án luật trình Quốc hội theo Nghị quyết số 1065 của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 khi có chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tích cực tham gia nghiên cứu, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được trình tại các kỳ họp Quốc hội diễn ra trong năm 2025. Trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức một số cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề, nhất là những vấn đề đang nổi cộm, bức xúc cử tri quan tâm. Tại các phiên họp Quốc hội, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về công tác xây dựng luật, kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, giám sát chuyên đề, chất vấn. Mặt khác, nghiên cứu tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tiếp xúc cử tri và tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề...
Nguồn Quốc Hội : https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=92308