Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
9 giờ trướcBài gốc
Đoàn giám sát làm việc tại Sở Nông nghiệp và Môi trường
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, từ sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành một số nghị quyết như: Nghị quyết số 292/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 213/2022/NQ-HĐND quy định về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và cấp huyện.
UBND tỉnh đã ban hành các quyết định như: Quyết định số 21/2023/QĐ-UBND ngày 08/12/2023 về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng; Quyết định số 12/2025/QĐ-UBND ngày 10/3/2025 quy định cụ thể một số nội dung về bảo vệ môi trường phù hợp thực tiễn địa phương... Các văn bản này góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, rõ ràng trong phân công trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị.
Từ năm 2022 đến năm 2024, tổng chi ngân sách địa phương dành cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt hơn 478,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ chi ngân sách hàng năm so với tổng chi vẫn còn thấp (năm 2022: 1,87%; năm 2023: 0,6%; năm 2024: 0,61%). Điều này cho thấy dù ngân sách có tăng theo từng năm, nhưng tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực môi trường vẫn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn.
Công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Tư duy quản lý môi trường đã dần chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa và kiểm soát. Sở đã triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các nguồn thải, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao.
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2024, Sở đã phát hiện và trình UBND tỉnh xử phạt hành chính 54 đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với tổng số tiền 4.224 triệu đồng...
Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay... Kiến nghị với Chính phủ, Sở đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và bổ sung chế tài mang tính răn đe cao hơn...
Các thành viên đoàn giám sát đã nêu nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề như: quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường, kinh phí xử lý rác thải, hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng như đề xuất điều chỉnh một số chính sách liên quan...
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Sở tiếp tục tham mưu hiệu quả cho tỉnh trong ban hành các quy định phù hợp, rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về môi trường; đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, tái chế, bảo vệ môi trường.
Đồng chí nhấn mạnh yêu cầu đặt công tác bảo vệ môi trường song hành với phát triển kinh tế - xã hội, chủ động giám sát, kiểm soát ô nhiễm bằng công nghệ hiện đại; tăng cường thanh tra, kiểm tra; kiến nghị bổ sung nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường, tạo chuyển biến mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.
Trước đó, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại khu xử lý chất thải rắn của thành phố Hưng Yên do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên vận hành.
Vi Ngoan
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-giam-sat-chuyen-de-ve-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-bao-ve-moi--3180743.html