Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
11 giờ trướcBài gốc
Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ chiều 15/5.
Cho ý kiến về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với tờ trình, dự thảo luật của Chính phủ trình cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội. Đại biểu cho rằng, đây là một dự án luật không chỉ thể chế hóa quan điểm, chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về phạm vi điều chỉnh, theo đại biểu với chủ đề và tên gọi của Luật là hoàn toàn phù hợp, mặc dù có ý kiến đề cập đến việc tham gia gìn giữ hòa bình của Liên minh Châu Âu, nhưng có thể sẽ dẫn đến nguy cơ vi phạm chính sách quốc phòng "4 không" của Việt Nam, bởi vì Liên minh Châu Âu mang tổ chức chính trị, quân sự phục vụ cho các Liên minh Châu Âu NATO, việc tham gia vào các hoạt động này, có thể bị hiểu lầm là một hình thức hợp tác quân sự gián tiếp, đi ngược lại tinh thần không tham gia liên minh quân sự, tạo tiền lệ nguy hiểm, mở đường cho các yêu cầu tương tự từ các tổ chức khác, làm mờ nhạt nguyên tắc độc lập, tự chủ trong chính sách đối ngoại quốc phòng.
Đại biểu cũng thể hiện sự đồng tình bổ sung đối tượng dân sự (cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước) vào phạm vi điều chỉnh của Luật, theo đại biểu, hiện nay nhu cầu để mở rộng phạm vi cho các chuyên gia về y tế, pháp luật, giáo dục, hậu cần… Liên hợp quốc đang rất cần, việc bổ sung đối tượng này vừa mở rộng được phạm vi và đối tượng đồng thời cũng tạo thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, gia hạn nhiệm kỳ công tác và rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp, đại biểu đề nghị cần cân nhắc một số chế độ chính sách sau khi về nước, vấn đề liên quan đến chế độ ốm đau, ở môi trường điều kiện độc hại, các Nghị định của Chính phủ, các văn bản dưới luật nên cụ thể chi tiết hơn để đảm bảo toàn diện chế độ chính sách này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những người thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Tham gia thảo luận đối với dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức cho rằng, luật này cần phải ban hành sớm hơn nữa, vì Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tính đến nay tròn 11 năm, để tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng tham gia cũng như động viên, khuyến khích, thực hiện các nhiệm vụ được thuận lợi; cần có các quy định về mặt pháp luật để cán bộ, chiến sĩ, các phái bộ tham gia, các lực lượng tham gia dân sự hòa bình yên tâm công tác. Khi có tình huống bất ngờ xảy ra, có thể được giải quyết kịp thời. Theo dõi báo chí hay trên các trang mạng xã hội, thấy rằng: các lực lượng Việt Nam tham gia rất tích cực, hình ảnh bộ đội, công an hay lá cờ Tổ quốc Việt Nam bay phấp phới ở các châu lục thật sự rất xúc động và tự hào. Chúng ta không chỉ đến giúp đỡ, bảo vệ nhân dân của khu vực đó mà còn đem cả nét đẹp văn hóa, tinh thần, khí chất của người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu thêm, chúng ta đặt mục tiêu: "Chỉ tham gia hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên hợp quốc". Một số nội dung khác, Việt Nam cũng có cử cả công binh, bộ binh, trinh sát, bảo vệ, vận tải, quân y, kiểm soát quân sự, đến điểm a khoản 1 Điều 12 cũng quy định: "Lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình được trang bị vũ khí, kỹ thuật", với những nội dung này, đại biểu đề nghị có rà soát để quy định vừa mềm mại, vừa nhẹ nhàng và vẫn bảo đảm cho lực lượng tham gia, tránh các trường hợp vi phạm những chủ trương "4 không" của Việt Nam trong việc tham gia các lực lượng tham gia bảo vệ, giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc chưa quy định trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý, bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật được cấp, nhưng lại quy định quyền hạn sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện của Việt Nam, đại biểu đề nghị cần rà soát chặt chẽ để bổ sung đầy đủ, logic, phù hợp.
Về chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, đại biểu đề nghị nghiên cứu chính sách bảo hiểm y tế phải phù hợp với các chính sách bảo hiểm y tế của nước sở tại, nhằm điều tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ, ngoài quy định của Việt Nam, cũng được hưởng thêm các chính sách phù hợp tại nơi đang thực hiện nhiệm vụ. Vì các chính sách này ở mỗi quốc gia cũng khác nhau, có những nước nghèo nhưng chính sách bảo hiểm y tế rất ưu việt.
Lê Điệp
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-gop-y-du-an-luat-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hop-quoc-3177268.html