Đại biểu Vi Đức Thọ phát biểu tại hội trường.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
Đồng thời tham gia góp ý về khoản 13 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 27 – Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại các phiên họp). Theo đó, tại khoản 3, Điều 27 dự thảo quy định: "3. Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội gửi đến đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về nội dung đó". Đại biểu cho rằng với quy định như hiện tại sẽ có khả năng xảy ra tình trạng báo cáo giải trình bước đầu của cơ quan chủ trì được gửi đến đại biểu Quốc hội quá sát thời điểm phiên họp toàn thể diễn ra. Điều này gây khó khăn cho đại biểu trong việc tiếp cận, nghiên cứu báo cáo, đặc biệt là để theo dõi việc giải trình các ý kiến mình hoặc các đại biểu khác đã phát biểu tại tổ. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng trùng lặp nội dung phát biểu hoặc không kịp phản hồi những nội dung giải trình chưa phù hợp.
Đại biểu đề xuất bổ sung quy định thời gian cụ thể, theo đó: "3. Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất 24 giờ trước khi Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về nội dung đó". Điều này nhằm đảm bảo thời gian tối thiểu để đại biểu có thể nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia thảo luận toàn thể.
Về khoản 17 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 50 – Trình tự Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội). Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 50 gồm 8 khoản. Đại biểu nhất trí với các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 8.
Riêng khoản 6, dự thảo đưa ra hai phương án, đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 1. Phương án 1 quy định rõ trách nhiệm và phát huy tính chủ động của cơ quan trình trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, đồng thời bảo đảm sự chặt chẽ, thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Về quy định trường hợp đặc biệt: “Trường hợp cơ quan trình có ý kiến khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc có nội dung phức tạp cần thêm thời gian để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc trên cơ sở đề xuất của cơ quan trình báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho lùi thời điểm trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.” Cách làm này bảo đảm tính khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình xem xét, quyết định đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.
Cường Thịnh - Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh