Đại biểu Đinh Công Sỹ phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Tham gia góp ý về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đề nghị luật cần quy định rõ hơn về môi trường làm việc thuận lợi, cơ chế thuê khoán người tài và giao quyền xác định ngành ưu tiên cho bộ, ngành, địa phương. Đại biểu cảnh báo nguy cơ chồng chéo chính sách khi các địa phương xác định ngành ưu tiên không đồng nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nhân lực chất lượng cao. Đại biểu nhấn mạnh, cần rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh, đặc biệt là các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo Nghị định số 126/2024. Đồng thời, đề nghị bổ sung chính sách đặc biệt trong thu hút, sử dụng và trọng dụng người có tài năng, trong bối cảnh thực tế hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng nhân lực xin nghỉ việc trong lĩnh vực y tế và khoa học công nghệ.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đóng góp vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Đôi, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đề nghị bỏ cụm từ “miền núi” trong phân loại đơn vị hành chính tại Điều 3, để đảm bảo thống nhất với Hiến pháp (sửa đổi) và các quy định liên quan. Về Điều 7, đại biểu kiến nghị điều chỉnh nội dung thể hiện mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với các tổ chức chính trị – xã hội theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, thống nhất: “Quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban MTTQ Việt Nam”. Đồng thời, đề nghị bổ sung thẩm quyền giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính – kinh tế đặc biệt tại Điều 9; phân định rõ cơ quan thẩm định tại Điều 10 (Trung ương hay địa phương); bổ sung “các hoạt động nghiên cứu khoa học” vào nhiệm vụ của UBND tỉnh tại Điều 16 và lượng hóa thời gian Chủ tịch UBND tỉnh phải báo cáo trong các trường hợp đặc biệt.
Đại biểu Chá A Của phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, kiến nghị làm rõ quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, đồng thời đề xuất bỏ từ “miền núi” trong phân loại đơn vị hành chính. Về cơ cấu HĐND, đề nghị bỏ các cụm từ trùng lặp như “các ban, các tổ…” để đảm bảo rõ ràng, ngắn gọn. Đại biểu cũng đề xuất giữ ổn định quy định kỳ họp HĐND là 2 kỳ/năm, thay vì “ít nhất 2 kỳ” vì dễ gây khó khăn khi thực hiện; đồng thời chỉ nên quy định báo cáo hoạt động HĐND với Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Đại biểu Vi Đức Thọ phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Góp ý về nội dung liên quan đến thẩm quyền giám sát, đại biểu Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đề nghị giữ lại quy định chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. Đại biểu cho rằng đây là công cụ giám sát hiệu quả, đã được chứng minh qua thực tiễn, góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.
Đại biểu Quàng Văn Hương phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Tham gia Phiên thảo luận, đại biểu Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, nhấn mạnh: Sự thiếu thống nhất giữa các luật trong việc xác định vùng miền núi, đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm rà soát, ban hành tiêu chí phân định vùng miền rõ ràng, nhất quán để bảo đảm công bằng trong chính sách phát triển vùng, vì sự thiếu nhất quán hiện nay đang gây khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi.
Văn Khánh -VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh