Đồng chí Hà Thị Nga chủ trì thảo luận.
Đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
Phát biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho rằng Nghị quyết quy định cơ chế đặc thù cho việc xây dựng nhà ở xã hội là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu ở cho các đối tượng phù hợp, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Cũng theo đại biểu, nhà ở xã hội nếu cho thuê thì sẽ hiệu quả hơn, việc thương mại hóa, sở hữu nhà ở xã hội như tài sản của cá nhân, hộ gia đình có thể dẫn đến trục lợi.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu ý kiến thảo luận.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu cho rằng Mặt trật Tổ quốc là liên minh chính trị, thể hiện ở chỗ là có các thành viên tập thể và các thành viên là những cá nhân tiêu biểu. Đến nay nguyên tắc này trong quy định của Hiến pháp. Hiện nay các tổ chức chính trị là thành viên của Mặt trận Tổ quốc đang tiến hành. Nguyên tắc sửa các luật là sửa đổi, bổ sung các vấn đề mang tính cấp bách, nhằm phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước.
Tham gia thảo luận vào Nghị quyết đặt thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị bổ sung liệt kê nhà ở xã hội thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết gồm những loại hình nhà ở nào để đảm bảo đầy đủ và thống nhất, vì theo Luật nhà ở thì khái niệm nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở. Do vậy sẽ không có Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, các dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp như trong dự thảo đang điều chỉnh.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận.
Về Nguyên tắc áp dụng pháp luật khoản 2 Điều 3 dự thảo nghị quyết nêu: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được hưởng hỗ trợ, ưu đãi được lựa chọn áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi”. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng khi có văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được hưởng hỗ trợ, ưu đãi đương nhiên được áp dụng. Bởi vì đối tượng hưởng các ưu đãi này có không ít các đối tượng yếu thế, không có điều kiện để nắm chắc được những quy định pháp luật ưu đãi dành cho họ để lựa chọn áp dụng.
Về Quỹ Nhà ở quốc gia, đại biểu đề nghị làm rõ hơn về chức năng của quỹ; nguyên tắc trích, việc quản lý, sử dụng và trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan trong việc sử dụng hiệu quả quỹ này. Về tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, do đây là Nghị quyết đặc thù, việc lựa chọn giao chủ đầu tư thực hiện dự án không cần thực hiện theo các quy trình thủ tục của Luật đấu thầu. Để đảm bảo khách quan, hiệu quả trong triển khai dự thảo cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn về tiêu chí ưu tiên này.
Đặc biệt cần bổ sung yếu tố về giá bán, giá cho thuê thấp hơn để làm tiêu chí ưu tiên giao thực hiện làm chủ đầu tư dự án. Đây là tiêu chí quan trọng để đảm bảo tính khách quan, thể hiện năng lực chủ đầu tư, tránh lạm dụng khi triển khai. Đồng thời, mang lại lợi ích thực tế cho các đối tượng được ưu tiên mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội. Về các quy định về xác định giá, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về xác định giá thuê nhà ở xã hội, hiện dự thảo Nghị quyết chưa có quy định điều chỉnh nội dung này.
Ngọc Hưng